[VIETKINGS – NIÊN LỊCH &THÀNH TỰU (WOWTIMES)] Diều sáo nhiều nơi làm, nhưng không ở đâu có những cánh diều độc đáo như ở tổng Đại Trà (Kiến Thụy, Hải Phòng). Nơi đây cho ra đời những chiếc diều có phần đuôi cuộn tròn mà người dân trong vùng gọi là “dái diều”. Theo các bậc cao tuổi ở Đại Trà, cánh diều được làm tại đây có nét độc đáo thể hiện sức mạnh của người đàn ông trong tín ngưỡng “phồn thực” của người Việt.
Theo các cụ xưa kể lại, ông tổ làm sáo diều của làng Đại Trà là phò mã Đô úy Trần Quốc Thi – một vị tướng tài ba giúp Trần Hưng Đạo đánh thắng quân Nguyên Mông. Mỗi khi về nhà, ngài thường thả diều ở cánh đồng làng. Diều của ngài khác với diều bình thường, có ngân vang trầm bổng, âm thanh du dương, mê hoặc lòng người. Chiếc diều của ngài làm có đuôi cuộn tròn (người dân gọi vui là “dái diều”), khung hình hai bên đuôi giống như quả thận, nối với cánh diều chính bằng bẹn diều.
Làng diều sáo Đại Trà, Hải Phòng. (Ảnh: internet)
Cái tên “dái diều” xuất phát từ quan niệm xưa về tín ngưỡng đề cao sức mạnh của người đàn ông. Do đó, diều của làng Đại Trà có sức mạnh nâng cả dàn sáo mà vẫn giữ thăng bằng, không bị chao lật trước gió. Về sau, ngài truyền dạy cách làm diều sáo cho người dân làng Đại Trà. Người dân không chỉ làm diều sáo để chơi thư giãn mà còn biến thành nghề kiếm sống. Từ đó, nghề làm diều sáo truyền từ đời cha sang đời con, duy trì đến hàng trăm năm, nổi tiếng đến tận giờ. Chiếc diều sáo luôn được cải tiến qua bao thế hệ, luôn làm người xem cảm thấy ấn tượng về nét độc đáo của cả diều và sáo.
Ống sáo được đục đẽo rất công phu và đẹp mắt. (Ảnh: internet)
Theo các nghệ nhân làm diều ở tổng Đại Trà, để làm được những chiếc diều có thể bay cao, cần sự hiểu biết về kỹ thuật và phải đầu tư nhiều thời gian. Cầu kỳ từ việc chọn nguyên liệu đến quá trình tạo dáng và hoàn chỉnh. Khung diều phải làm bằng tre bờ, chọn loại tre không quá già để có độ dẻo và bền chắc, sau đó ngâm nước khoảng 10 ngày để tre có độ dẻo và chống mối mọt. Khung cái của diều làm từ những đoạn tre thẳng, có 5 hoặc 9 mấu – ứng với chữ Sinh. Khung trên và khung dưới tuy có độ dài bằng nhau, nhưng chênh lệnh về kích thước (khung trên 10 thì khung dưới chỉ 7). Người làm diều phải tính toán cứ 1 m dài của cánh diều sẽ tương ứng với 30cm bụng (nếu như bụng 10 thì độ rộng của đuôi diều là 8).
Trải qua thời gian, nhờ những người có tình yêu và lòng đam mê mà trò chơi diều sáo ở đây không bị mai một. (Ảnh: internet)
Hiện làng Đại Trà có khoảng độ chục người biết làm sáo, nhưng thực sự am hiểu về sáo thì không con nhiều. Trải qua thời gian, nhờ những người có tình yêu và lòng đam mê mà trò chơi diều sáo ở đây không bị mai một. Muốn làm được sáo hay phải có đủ 9 loại sáo theo bộ là: ầm, ì, bi, bu, bô, do, de, dí và dị. Người chơi diều phải biết nghe tiếng sáo kêu như thế nào, tuỳ theo âm sắc. Làm sáo diều đòi hỏi nhiều công phu mà người làm không khác gì nghệ sĩ thực thụ. Phần ống sáo được chọn từ cây nứa ngộ lấy trên rừng, bỏ ruột và chỉ lấy phần cật. Gỗ dùng để khoét đầu sáo phải là gỗ mít hoặc gỗ sến, nhưng hay nhất là dùng sừng trâu. Không phải sừng trâu nào cũng có thể dùng khoét đầu sáo mà chỉ lấy được một bên. Đó là phần sừng khi nằm, trâu chổng lên trên. Một bộ sáo gồm 3, 5 hoặc 7 chiếc. Kích cỡ các sáo trong 1 bộ phải tuân thủ theo nguyên tắc nhỏ dần. Sáo lớn nhất còn gọi là sáo cái, sáo thứ 2 (sáo còi) có kích cỡ bằng 1/2 sáo cái, sáo thứ 3 có kích cỡ bằng 1/3 sáo thứ 2, sáo thứ 4 bằng 1/3 sáo thứ 3…
Hình ảnh con diều sáo đã gắn liền với cuộc sống, văn hóa của người dân nơi đây. (Ảnh: internet)
Tiếng tăm của những bộ sáo diều Đại Trà đã vượt khỏi phạm vi thành phố Hải Phòng, hiện vươn ra cả nước và trên thế giới. Nhiều vị khách quốc tế tìm đến đây để chiêm ngưỡng những bộ sáo diều độc đáo và mua làm kỷ niệm. Một điều tự hào đến với tổng Đại Trà là một doanh nghiệp ở Pháp đã làm 20 chiếc diều kèm thêm 20 bộ sáo và tham dự lễ hội 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Niềm vui ấy cũng là niềm tự hào của cả tổng Đại Trà, bởi họ đã lưu giữ và phát huy được truyền thống tốt đẹp mà cha ông để lại cho đến ngày nay.
Bộ sáo được công nhận Kỷ lục Việt Nam được đưa vào làm lễ tại đình làng. (Ảnh: internet)
Sau những ngày làm việc căng thẳng, nhiều người tìm đến thú chơi diều, một trò chơi dân gian truyền thống của dân tộc. Chỉ cần có một chiếc diều, một khoảng đất trống, một chút gió là có thể thả diều và thỏa thích ngắm những cánh diều đùa giỡn với gió. Với những người yêu âm hưởng của thiên nhiên họ tìm đến với diều sáo- được mệnh danh là “dàn nhạc giao hưởng trên không trung”. Vì thế, chơi diều không những là một thú chơi mà người chơi còn là nghệ nhân.