Thuốc Acetaminophen: Công dụng, cách dùng, liều dùng, chỉ định

Acetaminophen là thuốc giảm đau và hạ sốt không chứa opioid được sử dụng để điều trị cơn đau nhẹ đến trung bình như: nhức đầu, đau cơ, đau bụng hoặc đau lưng...

Theo Trung tâm Thông tin Công nghệ sinh học Quốc gia, acetaminophen là nguyên nhân gây ra khoảng 500 ca tử vong và 50.000 ca cấp cứu tại Hoa Kỳ hàng năm (1). Do đó, dù đây là một loại thuốc không kê đơn nhưng bạn vẫn nên thận trọng tìm hiểu kỹ về cách dùng thuốc, cách dùng, liều dùng và các lưu ý khi dùng acetaminophen để tránh các rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra!

acetaminophen

Bài viết sẽ giúp bạn nắm rõ thông tin về thuốc acetaminophen để hiểu được acetaminophen là thuốc gì, acetaminophen có tác dụng gì, liều dùng acetaminophen và cách dùng thuốc để có thể tận dụng hết các tác dụng của acetaminophen.

Acetaminophen là thuốc gì?

Acetaminophen là thuốc giảm đau và hạ sốt không chứa opioid được sử dụng để điều trị cơn đau nhẹ đến trung bình. Ngoài ra, trong một số trường hợp có kết hợp với các loại thuốc khác thì acetaminophen cũng được dùng để giảm đau vừa đến nặng hoặc hạ sốt. (2)

Acetaminophen cũng là thành phần có sẵn trong nhiều loại thuốc điều trị kết hợp với các loại thuốc khác, bao gồm Actifed, Alka-Seltzer Plus Liquid Gel, Hycotab, Hydrocet, Hydrocodone bitartrate, Lortab, Percocet, Phenaphen, Sedapap, Tapanol, Tylenol với codeine, Tylox, Ultracet, Vicodin và Zydone.

Acetaminophen thường được bào chế với dạng thuốc dùng đường uống, nhưng có thể tiêm tĩnh mạch. Ưu điểm của thuốc acetaminophen chính là thuốc không gây loét dạ dày và ruột. Tuy nhiên, acetaminophen không có tác dụng làm giảm sưng (viêm) như NSAID.

acetaminophen là thuốc gì
Acetaminophen là thuốc giảm đau và hạ sốt không chứa opioid

Chỉ định và chống chỉ định sử dụng thuốc acetaminophen

1. Chỉ định

Acetaminophen nằm trong nhóm thuốc giảm đau và thuốc hạ sốt. Acetaminophen được chỉ định sử dụng để giảm đau từ nhẹ đến trung bình do nhức đầu, đau cơ, đau bụng hoặc đau lưng khi tới kỳ kinh nguyệt, đau họng, đau răng, đau do viêm xương khớp,… Ngoài ra, loại thuốc này cũng có thể được sử dụng để hạ sốt do cảm cúm, cảm lạnh, phản ứng sau tiêm chủng,… (3)

Acetaminophen hoạt động bằng cách tác động đến hệ thống thần kinh, làm thay đổi cách cơ thể cảm nhận cơn đau và làm mát cơ thể.

2. Chống chỉ định

Trước khi sử dụng thuốc acetaminophen để giảm đau, cần lưu ý các trường hợp chống chỉ định dùng thuốc gồm có:

  • Dị ứng với acetaminophen hoặc các loại thuốc khác có chứa acetaminophen.
  • Đã từng bị xơ gan, các bệnh lý gan mật, bệnh Phenylketon niệu, tiểu đường hoặc uống rượu, bia hàng ngày.
  • Đang mang thai hoặc cho con bú.

Không phải các trường hợp đều là chống chỉ định tuyệt đối mà một số trường hợp sẽ chống chỉ định tương đối với acetaminophen. Do đó, nếu bạn thuộc các nhóm đối tượng trên, nên tham khảo ý kiến của bác sĩ/dược sĩ trước khi dùng thuốc.

Các dạng và hàm lượng thuốc acetaminophen

Acetaminophen có dạng viên nén, viên nhai, viên nang, hỗn dịch hoặc si rô, viên giải phóng kéo dài, viên tan trong miệng, viên sủi và dạng bột hòa tan. Ngoài ra, thuốc còn có dưới dạng viên đặt trực tràng hoặc thuốc tiêm qua đường tĩnh mạch. (4)

Hiện nay, 2 hàm lượng phổ biến nhất của thuốc acetaminophen là hàm lượng 325mg và 500mg. Đây là hàm lượng an toàn để dùng toàn bộ viên thuốc trong 1 lần. Ngoài ra còn có hàm lượng 80mg, 150mg, 250mg và 300mg thường được dùng cho trẻ em.

thuốc acetaminophen
Dạng viên là dạng acetaminophen phổ biến nhất

Công dụng của acetaminophen

Công dụng chính của acetaminophen là giúp giảm đau, cắt nhanh cơn đau và hạ sốt. Có thể dùng thuốc trong nhiều trường hợp đau khác nhau, từ cơn đau nhẹ đến vừa. Các tình trạng thường gặp được điều trị bao gồm nhức đầu, đau cơ, viêm khớp, đau lưng, đau răng, đau họng,…

Ngoài ra, acetaminophen còn được dùng như một loại thuốc hạ sốt khi bị cảm cúm, cảm lạnh, viêm họng,… Acetaminophen cũng có thể được sử dụng kết hợp với aspirin và caffeine để giảm đau liên quan đến chứng đau nửa đầu.

Trong một số trường hợp đặc biệt, acetaminophen sẽ được kê đơn cho những mục đích sử dụng khác. Tuy nhiên, các trường hợp này cần có chỉ định từ bác sĩ trước khi dùng thuốc.

Cách dùng và liều dùng acetaminophen

1. Liều dùng

  • Cho người lớn:
    • Liều dùng thông thường: Người lớn cần giảm đau, hạ sốt có thể dùng acetaminophen theo liều 325-650 mg/lần và dùng cách nhau 4-6 tiếng. Không dùng quá 1000 mg cùng một lúc hoặc quá 3000 mg trong 24 giờ. Trong một số trường hợp có thể dùng tối đa 4000 mg trong 24 giờ. Tuy nhiên, đây là các trường hợp có chỉ định và có sự theo dõi của bác sĩ.
    • Với thuốc dạng phóng thích kéo dài: Có thể dùng liều 1300mg mỗi lần uống và dùng mỗi liều cách nhau 8 giờ. Không dùng quá 3900 mg/ngày.
    • Với thuốc đặt trực tràng: Thuốc acetaminophen đặt trực tràng được dùng ở liều 650mg/lần và không vượt quá 3900 mg/ngày.
  • Cho trẻ em:
    • Thanh thiếu niên từ 12 tuổi trở lên có thể dùng liều acetaminophen như liều của người lớn.
    • Trẻ em dưới 12 tuổi: Trẻ dưới 12 tuổi được dùng liều acetaminophen tính theo cân nặng với công thức: 10 – 15 mg/kg. Mỗi liều thuốc acetaminophen nên cách nhau từ 4-6 tiếng và không dùng quá 5 liều trong 24 giờ.
    • Với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 2 tuổi: Dù acetaminophen có thể dùng như thuốc giảm đau, hạ sốt không kê đơn nhưng nên tham khảo ý kiến bác sĩ khi dùng cho trẻ dưới 2 tuổi.

2. Cách dùng

Thuốc giảm đau có tác dụng tốt nhất nếu được sử dụng khi có dấu hiệu đau đầu tiên. Nếu bạn đợi cho đến khi các triệu chứng trở nên trầm trọng hơn thì thuốc có thể không còn tác dụng nữa.

Do đó, dù thuốc giảm đau hạ sốt acetaminophen thường được uống sau khi ăn nhưng bạn cũng có thể uống thuốc trước và sau đó ăn nhẹ vẫn được.

Tùy theo từng dạng bào chế của thuốc mà cách sử dụng sẽ có phần khác nhau:

  • Với dạng viên nén, viên nang, viên giải phóng kéo dài: Uống toàn bộ viên thuốc. Không bẻ đôi hoặc ngâm hay nghiền nát thuốc trước khi uống.
  • Với dạng viên nhai: Viên nhai phải được nhai kỹ trước khi nuốt để đảm bảo thuốc phát huy hiệu quả tốt nhất.
  • Với dạng hỗn dịch: Dạng hỗn dịch có nhiều cách sử dụng như uống, tiêm bắp, nhỏ mắt,… Bạn nên đọc hướng dẫn sử dụng trên bao bì và tham khảo tư vấn của bác sĩ trước khi dùng.
  • Với dạng viên tan trong miệng: Đặt thuốc trong miệng và đợi thuốc tan dần dần mà không cần uống nước hay nhai. Không được nuốt toàn bộ thuốc mà phải đợi thuốc tự tan. Không ngâm thuốc với nước cho thuốc hòa tan trong chất lỏng.
  • Với dạng viên sủi và dạng bột hòa tan: Cho thuốc vào nước lọc, đợi thuốc hòa tan toàn bộ và sử dụng.
  • Với dạng si rô: Bạn có thể cần lắc nhẹ hỗn hợp chất lỏng trước mỗi lần sử dụng.
  • Dạng tiêm tĩnh mạch: Không được tự ý sử dụng mà bác sĩ sẽ trực tiếp thực hiện tiêm thuốc cho người bệnh.

Khi dùng acetaminophen, nên dùng thuốc với nước lọc là tốt nhất. Hạn chế uống thuốc với trà, cà phê, nước ngọt có gas, nước tăng lực,… để tránh tác động đến hiệu quả của thuốc hay dẫn đến những phản ứng ảnh hưởng đến sức khỏe.

cách dùng thuốc acetaminophen
Nên uống acetaminophen với nước lọc

Lưu ý khi sử dụng thuốc acetaminophen

Để chắc chắn rằng bạn dùng acetaminophen một cách an toàn, bạn nên:

  • Có rất nhiều loại thuốc có thành phần chứa acetaminophen. Tuy nhiên, bạn không dùng nhiều loại thuốc có chứa acetaminophen cùng một lúc. Vì vậy, cần đọc kỹ thông tin thuốc để biết thuốc có chứa acetaminophen không và nắm được hàm lượng acetaminophen trong các loại thuốc mà mình sử dụng. Cần lưu ý APAP, AC, Acetaminophen, Acetaminoph, Acetaminop, Acetamin hoặc Acetam,… cũng có thể được dùng để viết tắt thay cho acetaminophen. Hãy hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ nếu bạn không biết liệu loại thuốc bạn đang dùng có chứa acetaminophen hay không. Bạn nên
  • Nếu bạn đang cho trẻ uống acetaminophen, hãy chắc chắn rằng bạn sử dụng sản phẩm dành cho trẻ em. Không cho trẻ em dùng các sản phẩm chứa acetaminophen dành cho người lớn.
  • Đảm bảo tay khô khi cầm thuốc, đặc biệt là các loại thuốc dạng viên.
  • Với thuốc dạng hòa tan, chỉ dùng nước lọc để hòa tan thuốc. Không cho thuốc vào các loại chất lỏng khác như cà phê, trà, sữa,…
  • Dùng acetaminophen đúng theo chỉ dẫn trên đơn thuốc hoặc hướng dẫn trên bao bì. Không dùng nhiều acetaminophen hơn hoặc uống thường xuyên hơn chỉ dẫn, ngay cả khi bạn vẫn bị sốt hoặc đau. Bạn có thể trao đổi với bác sĩ nếu bạn không biết nên dùng bao nhiêu thuốc hoặc tần suất dùng thuốc như thế nào.
  • Hàm lượng dùng tối đa là 4000 mg acetaminophen mỗi ngày. Nếu bạn cần dùng nhiều hơn một sản phẩm thuốc có chứa acetaminophen, bạn có thể khó tính được tổng lượng acetaminophen bạn đang dùng. Do đó, khi bác sĩ kê đơn thuốc, cần cho bác sĩ biết nếu bạn đang dùng các loại thuốc khác cũng có thành phần chứa acetaminophen .
  • Thông báo với bác sĩ nếu bạn đang hoặc đã từng mắc bệnh gan như xơ gan, viêm gan,… hoặc bạn thường xuyên dùng rượu, bia. Tốt nhất cần phải nói với bác sĩ về tất cả các loại thuốc khác mà bạn sử dụng, bao gồm vitamin và thảo dược, cũng như chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng của bạn.
  • Không dùng acetaminophen nếu bạn thường xuyên uống rượu bia và các loại đồ uống có cồn.
  • Không nên sử dụng các sản phẩm acetaminophen kết hợp trị thuốc ho và cảm lạnh có thành phần chứa thuốc thông mũi, thuốc kháng histamine, thuốc giảm ho và thuốc long đờm cho trẻ dưới 2 tuổi. Việc sử dụng những loại thuốc này ở trẻ nhỏ có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng, đe dọa tính mạng hoặc tử vong. Ở trẻ em từ 2 đến 11 tuổi, nên sử dụng các sản phẩm trị ho và cảm lạnh kết hợp một cách cẩn thận và chỉ theo hướng dẫn cụ thể.
  • Ngừng dùng thuốc và ngay lập tức đến bệnh viện nếu:
    • Bạn cho rằng mình đã uống quá nhiều acetaminophen, ngay cả khi bạn cảm thấy khỏe;
    • Bạn vẫn bị đau họng sau 2 ngày sử dụng; bạn vẫn bị sốt sau 3 ngày sử dụng; bạn vẫn bị đau sau 7 ngày sử dụng (hoặc 5 ngày nếu điều trị cho trẻ em);
    • Bạn bị phát ban trên da, nhức đầu liên tục, đau bụng, vàng da, nước tiểu sẫm màu, buồn nôn, nôn,… hoặc bất cứ triệu chứng khác thường nào;
    • Các triệu chứng bệnh của bạn trở nên nghiêm trọng hơn.
  • Dùng acetaminophen có thể gây ra kết quả sai với một số máy đo đường huyết. Nếu bạn bị tiểu đường, hãy hỏi bác sĩ về cách tốt nhất để theo dõi lượng đường trong máu khi sử dụng thuốc.
  • Trao đổi trực tiếp với dược sĩ hoặc bác sĩ nếu bạn có thắc mắc về việc sử dụng acetaminophen hoặc các sản phẩm có chứa acetaminophen.
tác dụng phụ thuốc acetaminophen
Ngừng dùng acetaminophen nếu cảm thấy đau bụng dữ dội, buồn nôn sau khi dùng thuốc

Tác dụng phụ của acetaminophen

Thuốc acetaminophen thường có ít tác dụng phụ nên có thể dùng như thuốc không kê đơn. Tuy nhiên, trong một số ít trường hợp, acetaminophen có thể gây phản ứng da nghiêm trọng và có thể gây tử vong, ngay cả khi bạn đã dùng acetaminophen trước đây và không có phản ứng gì. (5)

Một số tác dụng phụ của thuốc như: đau dạ dày, buồn nôn, nổi mề đay, khó thở, sưng mặt, môi, lưỡi hoặc cổ họng của bạn. Ngoài ra, một số người còn gặp tình trạng nước tiểu có lẫn máu, phân đen, loét miệng, chảy máu hoặc bầm tím bất thường, tăng tiết mồ hôi,…  Cụ thể, các tác dụng phụ khi dùng thuốc gồm có:

  • Gan:
    • Phổ biến (1% đến 10%): Chỉ số aspartate aminotransferase tăng
    • Hiếm (dưới 0,1%): Tăng transaminase gan
  • Tiêu hóa:
    • Rất phổ biến (10% trở lên): Buồn nôn (lên đến 34%), nôn mửa (lên đến 15%)
    • Thường gặp (1% đến 10%): Đau bụng, tiêu chảy, táo bón, khó tiêu, bụng to
    • Tần suất không được báo cáo : Khô miệng
  • Quá mẫn: Sốc phản vệ, dị ứng
  • Huyết học:
    • Thường gặp (1% đến 10%): Thiếu máu, xuất huyết sau phẫu thuật
    • Rất hiếm (dưới 0,01%): Giảm tiểu cầu, giảm bạch cầu
  • Da liễu:
    • Thường gặp (1% đến 10%): Phát ban, ngứa
    • Hiếm (dưới 0,1%): Phản ứng da nghiêm trọng như mụn mủ toàn thân cấp tính, hội chứng Stevens-Johnson và hoại tử thượng bì nhiễm độc
    • Rất hiếm (dưới 0,01%): Bọng nước dạng pemphigoid, phát ban mụn mủ, hội chứng Lyell
  • Hô hấp:
    • Thường gặp (1% đến 10%): Khó thở, âm thanh hơi thở bất thường, phù phổi, thiếu oxy, tràn dịch màng phổi, thở rít, thở khò khè, ho
  • Tim mạch:
    • Thường gặp (1% đến 10%): Phù ngoại biên, tăng huyết áp, hạ huyết áp, nhịp tim nhanh, đau ngực
  • Trao đổi chất:
    • Thường gặp (1% đến 10%): Hạ kali máu, tăng đường huyết
  • Hệ thần kinh:
    • Thường gặp (1% đến 10%): Nhức đầu, chóng mặt, mất ngủ, lo lắng
    • Tần số không được báo cáo: Loạn trương lực cơ
  • Cơ xương khớp:
    • Thường gặp (1% đến 10%): Co thắt cơ, cứng khít hàm
  • Sinh dục tiết niệu
    • Phổ biến (1% đến 10%): Thiểu niệu (lượng nước tiểu trong 24 giờ giảm)
  • Đau:
    • Phổ biến (1% đến 10%): Đau tại vị trí tiêm thuốc (với trường hợp dùng acetaminophen dạng tiêm)
  • Mắt:
    • Thường gặp (1% đến 10%): Sưng phù quanh ổ mắt
  • Khác:
    • Thường gặp (1% đến 10%): Sốt, mệt mỏi
    • Hiếm (0,01% đến 0,1%): Khó chịu, kiệt sức

Quá liều và quên liều

Hai điều mà nhiều người quan tâm khi tìm hiểu về thuốc acetaminophen chính là điều gì xảy ra nếu dùng quá liều và điều gì xảy ra nếu bỏ lỡ một liều?

  • Với trường hợp quên liều: Vì acetaminophen được dùng khi cần thiết nên bạn có thể không tuân theo lịch dùng thuốc mà chỉ sử dụng khi cảm thấy đau hoặc cần hạ sốt. Nếu bạn đang dùng thuốc thường xuyên theo phác đồ điều trị của bác sĩ, hãy dùng liều đã quên ngay khi nhớ ra. Bỏ qua liều đã quên nếu gần đến thời gian dùng liều tiếp theo theo lịch dùng thuốc của bạn. Không dùng thêm thuốc để bù liều đã quên.
  • Với trường hợp quá liều: Dùng thuốc acetaminophen quá liều có thể làm tổn thương gan hoặc gây tử vong. Ngừng dùng thuốc và ngay lập tức đến bệnh viện, thông báo với bác sĩ nếu bạn nhớ được hàm lượng thuốc mà mình đã dùng. Các dấu hiệu đầu tiên của quá liều acetaminophen bao gồm chán ăn, buồn nôn, nôn, đau dạ dày, đổ mồ hôi và lú lẫn hoặc suy nhược. Các triệu chứng sau này có thể bao gồm đau bụng trên, nước tiểu sẫm màu và vàng da hoặc vàng mắt.
vàng da quá liều thuốc acetaminophen
Quá liều acetaminophen gây tổn thương gan, xuất hiện triệu chứng vàng da vàng mắt

Tương tác thuốc

1. Acetaminophen có thể tương tác với thuốc nào?

Tính đến thời điểm hiện tại, các nghiên cứu đã chỉ ra thuốc acetaminophen tương tác với hơn 100 loại thuốc và thành phần của thuốc, bao gồm:

  • adagrasib
  • amobarbital
  • anagrelide
  • anisindione
  • apalutamid
  • asparaginase escherichia coli
  • atropin
  • bedaquilin
  • benztropin
  • brentuximab
  • busulfan
  • butabarbital
  • butalbital
  • calaspargase pegol
  • cannabidiol
  • carbamazepin
  • ceritinib
  • cholestyramin
  • cimetidin
  • clidinium
  • clofarabine
  • chiết xuất hoa cúc dại
  • chiết xuất cà tím
  • daclizumab
  • darifenacin
  • deferasirox
  • dicumarol
  • dicyclomin
  • diflunisal
  • efavirenz
  • epirubicin
  • etanol
  • ethinyl estradiol
  • ethotoin
  • fenofibrat
  • fenoldopam
  • fexinidazole
  • flavoxat
  • fosphenytoin
  • givosiran
  • glycerol phenylbutyrat
  • glycopyrrolate
  • hydroxyprogesterone
  • hyoscyamin
  • imatinib
  • interferon beta-1a
  • interferon beta-1b
  • isoniazid
  • ketoconazol
  • leflunomide
  • leniolisib
  • levoketoconazol
  • liraglutua
  • lomitapide
  • lorlatinib
  • mepenzolate
  • mephenytoin
  • mephobarbital
  • methohexital
  • methotrexat
  • methscopolamine
  • metoclopramide
  • mipomersen
  • naltrexone
  • niraparib
  • olutasidenib
  • omaveloxolone
  • ospemifene
  • oxazepam
  • oxybutynin
  • pegaspargase
  • peginterferon beta-1a
  • pentobarbital
  • pexidartinib
  • phenobarbital
  • phenytoin
  • pirtobrutinib
  • pralsetinib
  • primidon
  • procyclidin
  • propanthelin
  • propranololranitidine
  • ranitidine bismuth citrate
  • remdesivir
  • rifampin
  • rucaparibscopolamin
  • secobarbital
  • natri salicylat
  • solifenacin
  • sulfinpyrazon
  • tafamidis
  • teriflunomide
  • thioguanine
  • thiopental
  • tolterodin
  • trabectedin
  • trihexyphenidyl
  • trospium
  • than củi
  • valoctocogene roxaparvovec
  • vemurafenib
  • vắc xin phế cầu khuẩn 7 giá
  • vắc xin phế cầu khuẩn 13 giá
  • vắc xin liên hợp phế cầu khuẩn 15 giá
  • vắc xin liên hợp phế cầu khuẩn 20 giá
  • warfarin
  • zidovudin

Nếu bạn không chắc chắn acetaminophen có tương tác với loại thuốc mà mình đang dùng hay không, nên tham khảo tư vấn từ bác sĩ.

2. Acetaminophen tương tác với rượu và thức ăn

Acetaminophen có thể tương tác với ethanol (cồn) và gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng ảnh hưởng đến gan của bạn. Do đó, nếu bạn thường xuyên dùng rượu, bia, các loại đồ uống hay thậm chí thức ăn có thành phần chứa cồn, bạn nên thông báo cho bác sĩ trước khi dùng thuốc. Bên cạnh đó, trong quá trình sử dụng acetaminophen, bạn cũng không nên uống rượu bia và thực phẩm chứa cồn.

3. Acetaminophen và sự ảnh hưởng của tình trạng sức khỏe

Thuốc acetaminophen có thể gây tương tác với các trường hợp:

  • Nghiện rượu: Những người lạm dụng rượu mãn tính, nghiện rượu hay thường xuyên dùng rượu bia, đồ uống có cồn có thể tăng nguy cơ nhiễm độc gan khi điều trị bằng acetaminophen. Tổn thương gan nghiêm trọng, bao gồm các trường hợp suy gan cấp tính dẫn đến ghép gan và tử vong đã được báo cáo ở những bệnh nhân sử dụng acetaminophen. Việc điều trị bằng acetaminophen nên được cân nhắc một cách thận trọng ở những bệnh nhân uống từ 3 cốc đồ uống có cồn trở lên mỗi ngày.
  • Mắc bệnh gan: Acetaminophen được chuyển hóa chủ yếu ở gan thành dạng không hoạt động. Tuy nhiên, một lượng nhỏ được chuyển hóa bằng con đường khác thành các chất chuyển hóa có thể gây nhiễm độc gan hoặc methemoglobin huyết. Bệnh nhân suy gan hay mắc các bệnh lý về gan như xơ gan, ung thư gan có thể tăng nguy cơ nhiễm độc cao hơn do sự chuyển hóa của acetaminophen trong cơ thể.
  • Bệnh Phenylketon niệu: Một số loại thuốc acetaminophen có thành phần kết hợp với chất làm ngọt nhân tạo aspartame. Aspartame được chuyển thành phenylalanine trong đường tiêu hóa sau khi uống. Công thức nhai và sủi bọt của sản phẩm acetaminophen cũng có thể chứa phenylalanine. Hàm lượng aspartame/phenylalanine nên được xem xét khi sử dụng các sản phẩm này ở những bệnh nhân mắc bệnh Phenylketon niệu, phải hạn chế sử dụng phenylalanine.

Cách bảo quản thuốc acetaminophen

Cách bảo quản thuốc acetaminophen cũng giống với các loại thuốc giảm đau thông thường khác. Cần bảo quản thuốc trong điều kiện nhiệt độ phòng, tránh để thuốc tiếp xúc với nguồn nhiệt, ánh sáng và hơi ẩm. Không để thuốc ở khu vực bếp, tủ lạnh hay trong phòng tắm.

Nên bảo quản thuốc trong hộp kín, có đầy đủ nhãn dán. Không lấy thuốc ra khỏi bao bì khi chưa sử dụng. Có thể mua các loại hộp đựng thuốc gia đình hoặc tủ đựng thuốc mini để bảo quản thuốc tốt hơn.

bảo quản thuốc acetaminophen
Nên bảo quản acetaminophen trong các loại hộp, tủ đựng thuốc

Ngoài ra, cần lưu ý giữ tất cả các loại thuốc nói chung và acetaminophen nói riêng tránh xa tầm tay trẻ em và vật nuôi. Để bảo vệ trẻ nhỏ khỏi bị ngộ độc thuốc do vô tình dùng acetaminophen, hãy luôn khóa nắp an toàn của hộp đựng thuốc và đặt ngay thuốc ở vị trí an toàn – vị trí ở trên cao, xa tầm nhìn và tầm tay của trẻ.

Không xả thuốc xuống bồn cầu hoặc đổ xuống cống trừ khi được hướng dẫn. Vứt bỏ sản phẩm đúng cách khi nó hết hạn hoặc không còn cần thiết. Bạn có thể tham khảo ý kiến ​​dược sĩ hoặc công ty xử lý chất thải tại khu vực mình sinh sống về việc phân loại chất thải y tế.

Acetaminophen là một loại thuốc thường xuyên xuất hiện trong các tủ thuốc gia đình. Hy vọng qua bài viết, bạn đã có thể nắm được các thông tin về thuốc acetaminophen, liều dùng acetaminophen cũng như các trường hợp chỉ định, chống chỉ định để hạn chế dùng thuốc sai cách.

Admin

Hợp tác truyền thông, quảng cáo (0965.23.2222)