Dựa theo các triệu chứng và sự hạn chế trong các hoạt động thể chất, suy tim được chia thành 4 cấp độ từ độ 1 đến độ 4. Suy tim độ 1 là mức độ nhẹ nhất. Vậy ở mức độ này có nguy hiểm hay không và cần thực hiện các phương pháp gì để chẩn đoán và điều trị hiệu quả bệnh?
Suy tim độ 1 là gì?
Suy tim là một trong những bệnh lý nguy hiểm, ảnh hưởng đến hơn 64 triệu người trên toàn thế giới (1).Tại Việt Nam, ước tính có khoảng 1,6 triệu người mắc phải bệnh lý này.
Suy tim là tình trạng tim bị suy yếu do các tổn thương thực thể hoặc do các rối loạn chức năng tim, cơ tim không đủ khả năng để hút và bơm máu như bình thường nên gây ra các triệu chứng của bệnh. Khi đó, máu có thể bị ứ đọng lại trong phổi khiến người bệnh bị mệt, khó thở, một số người có thể bị ho.
Suy tim ảnh hưởng đến các hoạt động thường ngày của người bệnh như: đi lại hoặc leo cầu thang trở nên khó khăn hơn, mệt khi hoạt động gắng sức, thậm chí có thể xuất hiện ứ dịch dẫn đến sung huyết phổi và phù ngoại vi. Bệnh có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi và những người cao tuổi thường gặp phải tình trạng này hơn.
Suy tim có thể được phân loại dựa theo lâm sàng bao gồm: suy tim trái, suy tim phải hoặc suy tim toàn bộ; suy tim cấp, suy tim mạn; suy tim tâm thu, suy tim tâm trương. Hiện nay, hệ thống phân độ suy tim theo NYHA (Hiệp hội Tim mạch New York) thường được các bác sĩ sử dụng để đánh giá độ nặng của suy tim. Theo đó, suy tim được chia thành 4 cấp độ là suy tim độ 1, suy tim độ 2, suy tim độ 3 và suy tim độ 4. (2)
Suy tim độ 1 được đánh giá là mức độ nhẹ nhất trong hệ thống phân độ NYHA. Ở mức độ này, các triệu chứng như mệt, khó thở hay bị hồi hộp đánh trống ngực khi thực hiện các hoạt động gắng sức không quá rõ rệt. Đa số có thể vận động như bình thường mà không có dấu hiệu nào cho thấy đang bị suy tim. Thông thường, người bệnh chỉ vô tình phát hiện ra bị suy tim khi đi thăm khám sức khỏe định kỳ hoặc điều trị các bệnh lý về tim mạch khác.
Nguyên nhân dẫn tới suy tim độ 1
Có nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến suy tim. Đây thường là kết quả của một số vấn đề ảnh hưởng đến tim cùng một lúc. Những yếu tố nguy cơ và nguyên nhân phổ biến nhất gây suy tim độ 1 bao gồm:
- Rối loạn lipid máu;
- Hút thuốc lá;
- Huyết áp cao;
- Mắc bệnh lý mạch vành như: Hội chứng mạch vành cấp, thiếu máu cục bộ cơ tim,…
- Các tổn thương hoặc bất thường ở van tim như: Hẹp van tim, hở van tim;
- Bệnh lý cơ tim;
- Bệnh tim bẩm sinh như: Thông liên thất, thông liên nhĩ, còn ống động mạch,…
- Người có tiền sử bị rối loạn về di truyền hoặc trong gia đình có tiền sử bị suy tim;
- Điều trị ung thư bằng tia xạ, hoá chất;
- Uống rượu nhiều;
- Mắc các bệnh lý chuyển hóa như: Đái tháo đường, bệnh lý tuyến giáp;
- Viêm cơ tim;
- Rối loạn nhịp tim như: Rối loạn nhịp nhanh, rối loạn nhịp chậm, ngoại tâm thu, rung nhĩ, cuồng nhĩ,…
Bên cạnh đó, một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh suy tim độ 1 hoặc khiến tình trạng bệnh trở nặng bao gồm:
- Có chế độ ăn nhiều muối;
- Bị rối loạn nhịp tim;
- Nhiễm khuẩn, viêm;
- Thiếu máu;
- Lạm dụng rượu, bia;
- Không tuân thủ điều trị thuốc theo chỉ định: tự ý ngưng thuốc, giảm liều hoặc uống thuốc không đều;
- Có thai.
Dấu hiệu suy tim độ 1
Suy tim độ 1 là giai đoạn đầu của bệnh suy tim, lúc này cơ tim vẫn có khả năng bơm máu tương đối tốt nhưng có một số biểu hiện của sự suy yếu hơn so với bình thường.
Người bệnh có bệnh tim nền hoặc yếu tố nguy cơ dẫn đến suy tim, nhưng triệu chứng nhẹ, người bệnh gần như sinh hoạt bình thường. Tuy nhiên, nếu không phát hiện sớm để thay đổi nguy cơ và điều trị kịp thời, suy tim sẽ diễn tiến nặng dần theo thời gian.
Ở mức độ 1, người bệnh thường có các dấu hiệu phổ biến bao gồm:
- Khó thở: Thường xuất hiện khi người bệnh vận động thể chất rất nặng như leo cầu thang nhanh, tập thể dục với cường độ nặng, khiêng vác vật nặng. Đây là một trong những dấu hiệu ban đầu cho thấy chức năng của tim đang có biểu hiện suy yếu, hoạt động của cơ tim không còn được mạnh như người khỏe mạnh.
- Mệt mỏi: Người bệnh có thể cảm thấy mệt mỏi, cơ thể yếu sức trong hầu hết thời gian. Người bệnh thấy giảm khả năng gắng sức cũng như sức bền so với trước đây.
- Người bệnh thấy khó chịu ở ngực, đánh trống ngực khi gắng sức mức độ nặng;
- Nhịp tim nhanh, tim đập không đều;
- Chóng mặt và ngất hoặc gần ngất;
- Ăn uống không ngon miệng;
- Một số bệnh nhân gặp tình trạng mất ngủ, lo lắng hoặc có thể bị trầm cảm.
Các biểu hiện của suy tim độ 1 có thể gần giống với triệu chứng của một số bệnh lý khác như bệnh về phổi hoặc dạ dày. Do đó, người bệnh nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa để thăm khám kỹ hơn.
Suy tim độ 1 có nguy hiểm không?
Theo hệ thống phân độ suy tim NYHA, suy tim độ 1 là cấp độ nhẹ nhất của bệnh suy tim. Hoạt động co bóp của tim mặc dù có biểu hiện suy yếu hơn so với bình thường, nhưng vẫn cung cấp lượng máu tương đối cho các tế bào trong cơ thể. Do đó, nó ít ảnh hưởng đến cuộc sống của người bệnh và chưa nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân.
Tuy nhiên, suy tim độ 1 có thể phát triển âm thầm trong thời gian dài trước khi có biểu hiện rõ. Khi các triệu chứng của bệnh rõ ràng hơn thì mức độ bệnh cũng đã có diễn tiến nặng hơn.
Việc phát hiện bệnh chậm trễ sẽ khiến các triệu chứng bệnh ngày càng tiến triển, bệnh có thể chuyển sang giai đoạn 2, 3, 4. Khi đó, chất lượng cuộc sống của người bệnh sẽ bị giảm sút nhiều, có nguy cơ gặp các biến chứng suy tim như: rối loạn nhịp tim, phù phổi cấp, suy gan, suy thận, nhồi máu não, đột quỵ,… (3)
Do đó, việc thăm khám sức khỏe theo định kỳ sẽ giúp phát hiện sớm các dấu hiệu của suy tim độ 1, giúp cho việc điều trị và quản lý bệnh hiệu quả hơn. Trường hợp nhận thấy các biểu hiện bất thường, nghi ngờ là dấu hiệu suy tim hoặc bệnh lý có liên quan đến tim, nên đến bệnh viện để kiểm tra, làm xét nghiệm theo chỉ định của bác sĩ giúp chẩn đoán chính xác nguyên nhân và sớm có hướng điều trị thích hợp.
Những biến chứng khi suy tim độ 1 trở nặng
Suy tim là bệnh lý nguy hiểm, nếu không được phát hiện và điều trị sớm, bệnh có thể chuyển biến nặng và gây ra nhiều biến chứng cho người bệnh. Suy tim độ 1 chưa làm suy giảm đáng kể chất lượng cuộc sống của người bệnh, nhưng khi bệnh trở nặng có nguy cơ ảnh hưởng đến tuổi thọ của bệnh nhân.
Ở giai đoạn 1, các triệu chứng của bệnh suy tim có thể chưa biểu hiện rõ, nhưng nó vẫn ảnh hưởng đến một số hoạt động thường ngày của người bệnh như: dễ mệt khi thực hiện các hoạt động cần dùng nhiều đến sức, giảm khả năng chịu đựng khi tập luyện, leo cầu thang.
Một số bệnh nhân suy tim độ 1 gặp phải tình trạng lo âu dẫn đến mất ngủ, giảm chất lượng giấc ngủ, khiến cơ thể bị mệt mỏi, thiếu năng lượng cho ngày hôm sau. Nghiêm trọng hơn, tình trạng lo lắng quá mức trong thời gian dài có thể gây trầm cảm.
Suy tim độ 1 khi không được phát hiện và điều trị sớm, bệnh sẽ dần diễn tiến nặng, chuyển sang mức độ 2, 3, 4. Khi đó, các triệu chứng của suy tim sẽ trở nên nặng hơn. Người bệnh có thể bị rối loạn nhịp, dễ bị rung nhĩ hoặc rối loạn nhịp thất, tăng nguy cơ đột quỵ thiếu máu não do cục máu đông từ tim theo dòng máu lên não. Thậm chí, bệnh nhân có nguy cơ tử vong và đột tử nếu suy tim chuyển nặng.
Phương pháp chẩn đoán suy tim độ 1
Để chẩn đoán suy tim, trước tiên bác sĩ sẽ thăm hỏi về bệnh sử cẩn thận, hỏi về tiền sử gia đình có người mắc bệnh lý về tim mạch không. Đồng thời khám lâm sàng để có đánh giá tổng quan ban đầu và đưa ra chỉ định thực hiện các phương pháp cận lâm sàng để có kết luận chính xác.
Dựa vào các triệu chứng của người bệnh và khoanh vùng dấu hiệu nghi ngờ bệnh sau khi khám lâm sàng, bác sĩ có thể cho người bệnh thực hiện thêm các kiểm tra cận lâm sàng bao gồm: đo điện tâm đồ, chụp X-quang tim phổi, siêu âm tim qua thành ngực, đo Holter điện tâm đồ 24 giờ, chụp động mạch vành hoặc MSCT động mạch vành hoặc MRI tim và xét nghiệm máu tổng quát.
Phương pháp điều trị suy tim độ 1
Mục tiêu điều trị đối với bệnh nhân bị suy tim độ 1 là ngăn ngừa suy tim tiến triển nặng hơn. Bác sĩ sẽ hướng dẫn người bệnh thực hiện điều chỉnh lối sống lành mạnh, chế độ dinh dưỡng tốt cho tim mạch và vận động, nghỉ ngơi phù hợp. Điều trị các bệnh lý nền, bệnh đồng mắc có nguy cơ đưa đến suy tim tiến triển. Đồng thời, có thể chỉ định kết hợp điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật nếu cần thiết.
1. Điều trị thuốc
Một số loại thuốc được dùng trong điều trị suy tim như: thuốc ức chế men chuyển (ACE), thuốc chẹn thụ thể angiotensin II được dùng thay thế trường hợp bệnh nhân không dung nạp với thuốc ức chế men chuyển, thuốc chẹn beta, thuốc lợi tiểu, thuốc đối kháng Aldosterone, thuốc ức chế SGLT-2. Tuy nhiên, bệnh nhân suy tim độ 1 hầu như chưa cần dùng đến thuốc điều trị suy tim, chủ yếu là điều trị bệnh đi kèm và điều chỉnh các yếu tố nguy cơ.
2. Điều trị phẫu thuật nếu cần thiết
Điều trị suy tim bằng phẫu thuật trong trường hợp nguyên nhân gây suy tim là do bệnh van tim sẽ cần mổ sửa hoặc thay van tim, hẹp động mạch vành sẽ được mổ bắc cầu mạch vành, mổ sửa chữa bệnh tim bẩm sinh hoặc điều trị cắt đốt rối loạn nhịp.
Người bị suy tim cấp độ 1 cần làm gì để bệnh không trở nặng?
Các biện pháp giúp ngăn ngừa suy tim độ 1 chuyển nặng bao gồm:
1. Thay đổi lối sống
- Nên duy trì thói quen tập thể dục đều đặn ít nhất 5 ngày/tuần với khoảng 30 phút mỗi ngày tập.
- Không thức quá khuya, rèn thói quen đi ngủ và thức dậy đúng giờ.
- Tránh căng thẳng, áp lực quá mức
- Ngừng hút thuốc
- Không uống rượu bia quá mức
- Giảm cân khoa học nếu bị béo phì, thừa cân
2. Có chế độ ăn uống lành mạnh
Bệnh nhân suy tim cần chú ý giảm lượng muối trong khẩu phần ăn hằng ngày. Hạn chế nạp những thực phẩm nhiều cholesterol, thức ăn nhanh, thực phẩm được ủ muối hoặc các đồ uống có chứa chất kích thích. Đồng thời, nên bổ sung nhiều rau xanh, trái cây, ngũ cốc, các loại cá béo sẽ tốt cho sức khỏe tim mạch.
3. Điều trị các bệnh có thể dẫn đến biến chứng suy tim
Một số bệnh lý tim mạch nếu không được điều trị sớm có thể dẫn đến suy tim như hở van tim, bệnh động mạch vành, bệnh tim bẩm sinh, tăng huyết áp,… Do đó, nếu có những bệnh lý này, nên điều trị sớm để ngăn ngừa biến chứng suy tim.
4. Thăm khám sức khỏe định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ
Suy tim độ 1 thường được phát hiện khi người bệnh thăm khám sức khỏe định kỳ. Do đó, mỗi người nên thực hiện việc kiểm tra sức khỏe đều đặn để sớm phát hiện và điều trị bệnh ngay từ thời kỳ đầu, giúp nâng cao hiệu quả chữa trị và ngăn ngừa suy tim độ 1 chuyển biến nặng, tránh các biến chứng nguy hiểm.
Câu hỏi thường gặp về suy tim cấp độ 1
1. Người bệnh suy tim độ 1 sống được bao lâu?
Có khoảng 6,2 triệu người trưởng thành tại Mỹ được chẩn đoán mắc bệnh suy tim. Năm 2018, có 379.800 người tử vong do suy tim. Tuy nhiên, suy tim độ 1 nếu phát hiện sớm và có sự điều chỉnh phù hợp về lối sống, kết hợp dùng thuốc đúng theo chỉ định của bác sĩ có thể cải thiện đáng kể triệu chứng bệnh, ngăn ngừa bệnh diễn tiến nặng sang độ 2, 3, 4. (4)
>> Xem thêm: Người bị suy tim sống được bao lâu? Có thể kéo dài tuổi thọ không?
2. Suy tim độ 1 có trở nặng sau điều trị không?
Bệnh vẫn có thể trở nặng nếu sau khi điều trị, người bệnh không đảm bảo về lối sống lành mạnh, dinh dưỡng và tập luyện không khoa học. Bên cạnh đó, người bệnh có các yếu tố nguy cơ như bệnh nền, tuổi tác cũng có thể khiến suy tim độ 1 trở nặng.
Hiện nay, Trung tâm Tim mạch – Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh là địa chỉ được nhiều người tin tưởng lựa chọn đến thăm khám và điều trị các bệnh lý về tim mạch, mạch máu, lồng ngực. Đặc biệt, cùng với chương trình quản lý người bệnh suy tim, Trung tâm Tim mạch cũng triển khai phòng khám chuyên biệt về Suy tim, thăm khám chuyên sâu, theo dõi chặt chẽ, chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân suy tim nhằm giảm tỷ lệ nhập viện và tử vong.
Phòng khám Suy tim do các chuyên gia, bác sĩ giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm cố vấn và trực tiếp thăm khám như: PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh (Giám đốc Trung tâm Tim mạch, hơn 50 năm kinh nghiệm), ThS.BS.CKII Huỳnh Thanh Kiều (Trưởng khoa Nội tim mạch 1 kiêm Trưởng đơn vị Suy tim, hơn 20 năm kinh nghiệm), BS.CKI Hoàng Thị Bình (Phó khoa Nội tim mạch 1, hơn 13 năm kinh nghiệm), ThS.BS.CKII Nguyễn Thị Ngọc (hơn 20 năm kinh nghiệm), ThS.BS Đỗ Thị Hoài Thơ (hơn 10 năm kinh nghiệm)…
Khách hàng sẽ được tầm soát, phát hiện sớm nguy cơ suy tim và tiền suy tim nhằm phòng ngừa nguyên phát. Đối với bệnh nhân suy tim, bác sĩ đưa ra hướng điều trị cá thể hóa, theo dõi chặt chẽ phòng bệnh tiến triển; giải đáp cặn kẽ thắc mắc cho bệnh nhân trong quá trình điều trị; đồng thời tư vấn thay đổi lối sống, sinh hoạt, chế độ dinh dưỡng, tập luyện phục hồi chức năng tim mạch; và nhắc hẹn tái khám định kỳ.
Phòng khám cũng theo dõi chặt chẽ, chăm sóc đặc biệt cho bệnh nhân suy tim giai đoạn tiến triển: chăm sóc giảm nhẹ, thiết bị cơ học hỗ trợ tim, đưa vào danh sách chờ ghép tim…
Để đặt lịch khám, tư vấn tầm soát và điều trị Suy tim với các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, bạn có thể liên hệ theo thông tin sau:
Suy tim độ 1 mặc dù chưa nguy hiểm đến tính mạng, nhưng nếu không phát hiện và điều trị sớm, bệnh có diễn tiến nặng sang độ 2, 3, 4 và nguy cơ gây ra các biến chứng nguy hiểm. Do đó, mỗi người nên chủ động thăm khám sức khỏe định kỳ và đến bệnh viện kiểm tra ngay khi có dấu hiệu bất thường hoặc nghi ngờ bệnh lý về tim mạch.