Bài cuối:
Phát triển bền vững trong khối
đại đoàn kết toàn dân
Quán triệt sâu sắc các chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác tôn giáo, coi “tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta”, những năm qua, tỉnh Nghệ An đã triển khai nhiều chủ trương, giải pháp tạo điều hiện cho tôn giáo nói chung; phật giáo nói riêng phát triển theo đường hướng “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”.
Quan tâm giải quyết các
nhu cầu tôn giáo chính đáng
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm để đưa đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới là: “Vận động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ “Sống tốt đời đẹp đạo”, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bảo đảm cho các tổ chức tôn giáo và hoạt động theo quy định pháp luật và hiến chương, điều lệ được Nhà nước công nhận. Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước. Kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm minh những đối tượng lợi dụng tôn giáo chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; chia rẽ, phá hoại đoàn kết tôn giáo và khối đại đoàn kết dân tộc”.
Tiếp thu tinh thần ấy, trong các dịp tiếp xúc, gặp gỡ chức sắc các tôn giáo, lãnh đạo tỉnh Nghệ An luôn nhấn mạnh: Tỉnh luôn tôn trọng tự do tín ngưỡng, tạo điều kiện thuận lợi để các tôn giáo phát triển trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật quy định.
Vào các dịp lễ lớn, lễ trọng của các tôn giáo nói chung, Phật giáo nói riêng, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đều thành lập đoàn, tổ chức gặp gỡ thăm hỏi, động viên các tổ chức tôn giáo, chức sắc, chức việc Phật giáo. Đồng thời, chỉ đạo các ngành, các địa phương tạo điều kiện cho Giáo hội Phật giáo tỉnh tổ chức các sự kiện quan trọng như: Đại hội Phật giáo lần thứ III, Lễ kỷ niệm 40 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, 10 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Nghệ An; Lễ Phật Thích Ca thành đạo, Đại lễ Phật Đản, An cư kiết hạ; Lễ hội Hương Sen xứ Nghệ, Lễ Vu lan báo hiếu; Lễ hội Quan Âm Nam Hải; Đại giới đàn Nghệ Tĩnh, các lễ động thổ, khởi công xây dựng chùa, lễ bổ nhiệm trụ trì chùa, lễ đúc chuông… đảm bảo an toàn, trang trọng, an ninh, trật tự.
Các sở, ban, ngành cấp tỉnh liên quan cũng thường xuyên, trực tiếp thăm hỏi, động viên lãnh đạo Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Nghệ An, chức sắc, chức việc Phật giáo có uy tín, nhằm tạo mối quan hệ sâu sắc, cởi mở hơn trên tinh thần đối thoại và hợp tác, tạo niềm tin cho chức sắc, chức việc, tín đồ hiểu, đồng thuận, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc.
Trong giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2024, công tác quản lý Nhà nước về Phật giáo trên địa bàn tỉnh Nghệ An đạt được nhiều kết quả quan trọng. Các nhu cầu chính đáng, phù hợp thực tiễn, đúng quy định của pháp luật của Giáo hội Phật giáo được chính quyền các cấp giải quyết kịp thời.
Đến nay, ngành chức năng đã tham mưu UBND tỉnh cho chủ trương xây dựng, phục hồi, thành lập 10 cơ sở Phật giáo; chấp thuận bổ nhiệm cho 11 sư trụ trì các chùa (Tiên Linh, Thiên Sơn, Vĩnh Phúc, Ngưu Tử, Trợ Long, Tạnh, Phật Tích, Tràng Đề, Phúc Tài, Bụt Mọc....) và phụ trách Phật giáo địa bàn huyện Kỳ Sơn; chấp thuận phong phẩm đối với các giới tử tham gia giới đàn Nghệ Tĩnh lần VI do Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh phối hợp tổ chức; tiếp nhận, thuyên chuyển nhiều chức việc từ tỉnh khác về Nghệ An hoạt động.
Bên cạnh đó, từ năm 2014 đến tháng 6/ 2024, Ban Tôn giáo tỉnh đã phối hợp các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 31 cơ sở Phật giáo, với tổng diện tích 498.124,9 m2. Đồng thời, phối hợp với Công an tỉnh và Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh làm việc với chính quyền và đại diện các chùa, đạo tràng Phật giáo trên địa bàn 4 huyện (Nghi Lộc, Thanh Chương, Đô Lương, Diễn Châu) để bàn phương án chấn chỉnh một số vi phạm xảy ra, liên quan đến đất đai, xây dựng, cư trú và hoạt động bất hợp pháp… định hướng giải quyết những tồn tại và nhu cầu thực tế chính đáng cần được quan tâm, giải quyết của Phật giáo tại các địa phương.
Chung tay xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc
Dưới sự quan tâm giúp đỡ của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh và các sở, ngành; sự chỉ đạo sát sao của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tăng ni, phật tử trên địa bàn tỉnh đã triển khai nghiêm túc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác tôn giáo nói riêng, các hoạt động phúc lợi nói chung; chung tay cùng cấp ủy, chính quyền, các tôn giáo khác và nhân dân xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp sức xây dựng quê hương giàu đẹp, xã hội phát triển.
Nhiều vị tăng ni đã tham gia các tổ chức Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, Hội Khuyến học, Hội Chữ thập đỏ, Hội Nạn nhân chất độc da cam, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ em mồ côi, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam,… góp phần củng cố chính quyền, Mặt trận và đoàn thể, tạo sự đồng thuận xã hội, góp sức to lớn vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Điển hình trong dịp bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026, có 1 chức sắc ứng cử HĐND cấp tỉnh (Hòa thượng Thích Thọ Lạc), 3 chức việc ứng cử HĐND cấp huyện (Đại đức Thích Minh Hải, Đại đức Thích Thiền Tuệ, Đại đức Thích Tuệ Quang); và tại Đại hội lần thứ XIV của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An nhiệm kỳ 2019 – 2024, có 3 chức sắc, chức việc Phật giáo tham gia Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, gồm Hòa thượng Thích Thọ Lạc, Ni sư Thích Nữ Diệu Nhẫn và Đại đức Thích Thiền Tuệ.
Trong nhiều năm qua, Phật giáo tỉnh Nghệ An đã có nhiều chương trình phối hợp chặt chẽ với Ủy ban MTTQ tỉnh trên nhiều lĩnh vực gắn liền với chính sách dân tộc, tôn giáo, góp phần vào sự nghiệp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.
Đặc biệt, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Nghệ An và Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Nghệ An đã ký kết chương trình phối hợp giai đoạn 2021 – 2025 hướng tới mục tiêu vận động, đoàn kết tập hợp tăng ni, phật tử và nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đại đoàn kết toàn dân tộc; phối hợp tuyên truyền về văn hóa truyền thống lịch sử Phật giáo Việt Nam, tư tưởng, đạo đức và giá trị nhân văn của Phật giáo trong lòng dân tộc; tăng cường vận động các tổ chức Phật giáo trực thuộc, tăng ni, phật tử tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước; tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền vững mạnh…
Ông Trần Văn Lâm- Trưởng ban Dân Chủ - Pháp Luật (MTTQ tỉnh) cho biết: Để nâng cao chất lượng phong trào “Tốt đời, đẹp đạo” của đồng bào các tôn giáo trên địa bàn tỉnh, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết các tôn giáo, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động sáng tạo như: Chủ trì phối hợp với Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh tổ chức các đoàn đại biểu học tập kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền, vận động các tôn giáo thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, mô hình phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, sống tốt đời đẹp đạo” tại các tỉnh Nam Trung Bộ, tỉnh Lâm Đồng, tỉnh Quảng Ninh…
Bên cạnh đó, nhằm củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết tôn giáo, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An đã chủ trì, phối hợp tổ chức Đoàn đại biểu “Hành trình theo chân Bác” với 72 người, trong đó, có 27 đại biểu dân tộc thiểu số, 26 đại biểu Công giáo và 15 đại biểu Phật giáo.
Đoàn đã tổ chức viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và tham quan một số di tích lịch sử, văn hóa như làng Văn hóa và Du lịch các dân tộc Việt Nam, Khu Di tích Đá Chông - K9 (Thủ đô Hà Nội), Khu Di tích Lịch sử Quốc gia đặc biệt đền Hùng (tỉnh Phú Thọ), Khu Du lịch văn hóa tâm linh chùa Bái Đính, Tổ đình Kim Liên và quần thể nhà thờ đá Phát Diệm (tỉnh Ninh Bình).
Đây là những dịp Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo có thời gian tiếp xúc, trao đổi, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, ý kiến, kiến nghị để tổng hợp, phản ánh kịp thời đến cấp ủy, chính quyền xem xét, giải quyết; đồng thời, thông tin kịp thời đến các chức sắc, chức việc, tín đồ các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nói chung và tín ngưỡng, tôn giáo nói riêng; về lịch sử, truyền thống đoàn kết của dân tộc Việt Nam; các mô hình hay, tiêu biểu trong phát triển kinh tế - xã hội, an sinh xã hội.
Về phía Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Nghệ An cũng luôn nêu cao tinh thần đoàn, kết hoà hợp cùng các tôn giáo khác trên địa bàn để "mưu hạnh phúc cho loài người, mưu phúc lợi cho xã hội". Ví như việc phối hợp với Ủy ban Đoàn kết công giáo và chính quyền địa phương tổ chức các hoạt động từ thiện, nhân đạo, hỗ trợ hoàn cảnh khó khăn.
Điển hình trong năm 2024, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Nghệ An và Ban Thường trực Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Nghệ An phối hợp tổ chức Lễ động thổ xây "Nhà đại đoàn kết" cho hộ ông Trần Văn Lâm ở xóm 9, xã Sơn Hải (Quỳnh Lưu).
Ông Lâm là giáo dân Giáo xứ Văn Thai, có hoàn cảnh khó khăn, nhà ở xuống cấp nghiêm trọng, gia đình phải đi ở nhờ anh em trong họ. Công trình nhà cấp 4 được xây dựng trên diện tích 50m2, với kinh phí khoảng 400 triệu đồng không chỉ giúp gia đình ông Lâm có chỗ ở an toàn trước mùa mưa lũ mà còn thể hiện tinh thần chung tay, đoàn kết, “tốt đời đẹp đạo” của các tôn giáo.
Hoà Thượng Thích Thọ Lạc - Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật Giáo Việt Nam tỉnh Nghệ An cho hay: Phát huy truyền thống phụng đạo yêu nước, dấn thân hành đạo trên quê hương xứ Nghệ, trong thời gian tới, Phật giáo Nghệ An tiếp tục nêu cao truyền thống lục hòa cộng trụ, vô ngã vị tha, coi Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Nghệ An là ngôi nhà chung của toàn thể tăng ni và phật tử; xây dựng các chùa không chỉ là cơ sở tôn giáo, mà còn là trung tâm văn hóa, trung tâm đoàn kết của toàn dân gắn với thúc đẩy phát triển du lịch văn hóa tâm linh, bài trừ mê tín dị đoan.
Tăng ni, Phật tử gắn bó với Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các ban, ngành, đoàn thể các cấp; đoàn kết các tôn giáo khác và các tầng lớp nhân dân; tích cực tham gia các phong trào ích nước lợi dân, vì mục tiêu xây dựng quê hương thuần mỹ, chí thiện, văn minh và hạnh phúc.
Trăn trở và kỳ vọng
Qua trò chuyện với các bậc chân tu và những người làm công tác quản lý tôn giáo trên địa bàn tỉnh, nhiều ý kiến bày tỏ mong muốn thời gian tới hoạt động an sinh xã hội, từ thiện của Phật giáo Nghệ An sẽ đi vào chiều sâu hơn với nhiều mô hình cụ thể để lan tỏa sâu rộng trong đời sống xã hội, chứ không riêng chỉ phát động theo đợt như lũ lụt, thiên tai hay các dịp lễ trọng…
Bên cạnh đó, các chùa, các đạo tràng cần tích cực phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, tuyên truyền, vận động phật tử tích cực giải phóng mặt bằng, hiến đất mở đường, chỉnh trang diện mạo nông thôn, đô thị… và các hoạt động khác để giúp tỉnh và các địa phương thực hiện hiệu quả các quyết sách phát triển kinh tế - xã hội.
Mặt khác, trong thời đại công nghệ số, khi thế giới ngày càng liên kết chặt chẽ trên không gian mạng, Phật giáo Nghệ An cần đồng hành và khuyến khích tăng ni, phật tử ứng dụng công nghệ thông tin trong các công việc phật sự, truyền bá giáo lý và văn hóa của đạo Phật.
Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ số vào công tác hoằng pháp cần thực hiện một cách có chọn lọc nhằm lan tỏa tinh thần từ bi - trí tuệ và những giá trị nhân văn của đạo Phật tới các phật tử, nhất là giới trẻ.
Cùng với đó, không ngừng đề cao cảnh giác trước những âm mưu, thủ đoạn của các phần tử xấu nhằm chia rẽ nội bộ, ảnh hưởng đến khối đại đoàn kết toàn dân và truyền thống tốt đẹp của Giáo hội Phật giáo.