Thời gian gần đây, trên mạng xã hội lan truyền clip ghi lại cảnh tượng một chùm tóc và bộ nội tạng động vật được treo trên cây. Đồng thời, một người đàn ông nói bằng tiếng Jrai phao tin là ma lai xuất hiện ở buôn H’lang, xã Chư Rcăm, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai.
Nội dung clip sau khi được đăng tải, lan truyền đã gây hoang mang cho bà con buôn làng xã Chư Rcăm và các địa phương lân cận, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình ANTT, đời sống của bà con nhân dân trên địa bàn bị đảo lộn.
Qua xác minh, cơ quan chức năng xác định người tung clip có ma lai ở buôn làng Tây Nguyên là đối tượng Siu Thoan (quê ở huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai - hiện đang sống tại Thái Lan) và đối tượng Ksor Non (quê xã Chư Rcăm, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai - hiện đang sống tại Thái Lan).
Hai đối tượng này đã dàn dựng, tung clip bịa đặt có ma lai trên trang Facebook của Siu Thoan có tên là “Thoan Siu”. Với giọng điệu kích động, lừa phỉnh những người nhẹ dạ, cả tin, chúng đã dựng lên hiện trường giả, quay clip tung lên mạng xã hội rồi rêu rao là ma lai xuất hiện ở buôn làng Tây Nguyên khiến không ít người dân hoang mang. Không những vậy, thời gian qua, hai đối tượng này còn thường xuyên có các luận điệu xuyên tạc, nói xấu Đảng và Nhà nước nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Chứng kiến việc làm của hai đối tượng lưu vong, phản bội buôn làng, ông Nay Tuêk (trú buôn H’lang, xã Chư Rcăm) cho biết: "Đây chỉ là dối trá thôi, tóc là tóc giả, ruột là ruột heo hoặc bò. Siu Thoan và Ksor Non xuyên tạc điều không có thật làm cho dân mình hoang mang, không dám đi đâu cả. Sau khi được giải thích, người dân đã hiểu, kể cả các cháu nhỏ cũng không sợ nữa".
Trong khi đó, ông Ksor Dung (trú buôn Đoàn Kết, xã Chư Rcăm) là người từng có thời gian lầm lỡ nghe theo lời lừa phỉnh, xúi giục của các đối tượng Fulro lưu vong vượt biên sang Campuchia, nuôi ảo vọng đi nước thứ 3 có cuộc sống sung sướng..., đang tham gia công tác tuyên truyền, vận động bà con không nghe theo kẻ xấu xúi giục, bức xúc lên tiếng: "Bản thân tôi trong thời gian sinh sống tại địa phương, chưa nghe, chưa biết là có ma lai. Hình ảnh trên mạng là giả, là người ta tự làm, lấy ruột heo, đội tóc giả người nữ treo lên cây. Đối với bản thân, tôi không tin có ma lai, người theo đạo không ai tin có ma lai đâu".
Cùng quan điểm, ông Kpă Liên (trú buôn Đoàn Kết, xã Chư Rcăm) bày tỏ, người bình thường đều có thể nhận ra những hình ảnh đó là lấy ruột heo, bò treo lên cây. Đồng thời, ông Kpă Liên cũng nhắn nhủ: "Ai ở bên kia biết sai, lầm lỡ rồi thì xin chính quyền địa phương thông cảm, thành tâm hối cải để sớm trở về với vợ con để sống có ích. Con người sống được bao nhiêu tuổi đâu mà cứ chống đối với Đảng, chính quyền và pháp luật".
Trao đổi với chúng tôi, Trung tá Mai Văn Năng - Phó trưởng Công an huyện Krông Pa thông tin: Siu Thoan và Ksor Non tung tin thất thiệt, lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin trong đời sống sinh hoạt của một bộ phận người dân tộc thiểu số. Đây là hoạt động tuyên truyền mê tín dị đoan nhằm kích động tư tưởng ly khai, gây mất đoàn kết dân tộc và là ý đồ của số đối tượng phản động lưu vong, thù hằn dân tộc. Hành vi này cần phải bị cộng đồng lên án, xử lý.
Được biết, việc tung tin thất thiệt, giả dối, nhất là thông tin xấu độc gây hoang mang dư luận xã hội là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy thuộc vào nội dung, tính chất, mức độ, động cơ của hành vi, hậu quả của việc tung tin thất thiệt, các đối tượng tung tin sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật.
Admin
Link nội dung: https://vuihoctienghan.edu.vn/su-that-ve-tin-don-ma-lai-xuat-hien-o-tay-nguyen-1734759309-a929.html