Hoa giấy: Mạnh mẽ và rực rỡ | ELLE Decoration VN

Vẻ đẹp của hoa giấy đến từ sức sống bền bỉ, sinh trưởng tốt ngay cả trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt của vùng khí hậu nhiệt đới.

Vẻ đẹp rực rỡ của cây hoa giấy đến từ sức sống bền bỉ, sự dẻo dai, sinh trưởng tốt ngay cả trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt của vùng khí hậu nhiệt đới.

Hoa giấy là một trong những loại cây cảnh được nhiều người ưa chuộng bởi đặc tính ra hoa quanh năm và có nhiều màu sắc rực rỡ như: đỏ, hồng, cam, vàng, tím…, hàm chỉ sự may mắn. Hơn hết, khả năng sinh trưởng mạnh mẽ và yêu cầu chăm sóc tối thiểu khiến nó trở thành lựa chọn lý tưởng cho những ai yêu thích việc trồng hoa nhưng chưa có nhiều kinh nghiệm.

Nguồn gốc và đặc trưng

Cây hoa giấy hoặc móc diều, tên tiếng Anh là Bougainvillea, Paper Flower và tên khoa học là Bougainvillea Spectabilis. Nó được phát hiện lần đầu tiên vào cuối thế kỷ 18 (khoảng năm 1976) bởi nhà tự nhiên học người Pháp, Tiến sĩ Philibert Commerçon trong một chuyến thám hiểm Nam Mỹ. Theo ghi nhận, loài cây này phát triển mạnh tại các quốc gia như Brazil, Peru và Argentina nên người ta tin rằng hoa giấy thích hợp sinh trưởng ở vùng khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới. 

hoa giay paper flower plant Bougainville

Tên của loài cây này được đặt theo tên của Đô đốc dẫn đầu đoàn thám hiểm – ông Louis Antoine de Bougainville. Ảnh: Gabriella Clare Marino

Hoa giấy thuộc dạng cây dây leo thân gỗ có gai, có thể mọc thành bụi hoặc được uốn nắn để leo lên giàn và tường. Lá cây mọc so le, có màu xanh thẫm quanh năm, hình trái xoan thuôn dần về phía đỉnh lá.

Đặc điểm nổi bật nhất của hoa giấy nằm ở những lá bắc nhiều màu sắc, thường bị nhầm lẫn là cánh hoa, sở hữu bảng màu sắc sống động. Chúng mọc thành cụm 3 cánh, bao bọc lấy nhụy hoa hình ống dài màu trắng hoặc hơi ngả vàng. Những bông hoa giấy thực thụ có kích thước rất nhỏ, màu trắng và thường mọc thành chùm ở trung tâm lá bắc. Quả của cây hoa giấy bế tròn, bên trong chứa hạt màu nâu hung bóng, tuy nhiên rất hiếm thấy.  

paper flower plant Bougainville

Vẻ ngoài mềm mại, mong manh như một mảnh giấy của những chiếc lá bắc đã tạo ra tên gọi đặc trưng cho loài cây này. Ảnh: Rror

Tùy vào giống và phương pháp tạo hình mà hoa giấy có thể phát triển dưới dạng dây leo, cây bụi hoặc cây nhỏ. Nó có thể đạt tới độ cao từ 6m đến 9m nếu không được cắt tỉa thường xuyên.

Hiện nay, ở Việt Nam có 6 loài hoa giấy phổ biến: vạn hoa lầu, hoa giấy cẩm thạch thích hợp cho việc trồng trong chậu, còn hoa giấy Thái, Bougainvillea Glabra với thân gỗ to mọc cao, có xu hướng leo giàn. Trong đó, loài hoa giấy lai tạo từ Thái Lan đã tạo nên cơn sốt tại thị trường Việt Nam bởi đặc tính sai hoa, bền màu và sinh trưởng mạnh mẽ hơn giống thuần chủng. 

hoa giay paper flower plant Bougainville

Hoa giấy Bougainvillea Glabra. Ảnh: Vitaium

Vẻ đẹp và ý nghĩa 

Theo phong thuỷ, cây hoa giấy có xu hướng leo tỏa, nhiều cành, tạo nên dáng vẻ xum xuê, đủ đầy, biểu tượng cho sự bảo vệ và hạnh phúc vẹn tròn. Màu sắc rực rỡ, tươi sáng của hoa giấy cũng tượng trưng cho may mắn và phước lộc gia đình. Hoa đặc biệt hợp với những người tuổi Tỵ, tuổi Dần và người mệnh Thổ, trồng trước nhà sẽ giúp khơi thông nhiều vận may, cuộc sống cát tường, phú quý. Khi chọn giống hoa giấy, gia chủ cần lưu ý lựa chọn màu sắc hoa phù hợp với tuổi tác và vận mệnh để nâng cao hiệu quả về mặt phong thủy và tâm linh. 

paper flower plant Bougainville

Ảnh: Thành An

Bên cạnh đó, trong quan niệm dân gian Việt Nam, hoa giấy gắn liền với sự chào đón và lòng hiếu khách nhưng nhận thức được tà ma và có khả năng ngăn chặn điềm xấu. Thậm chí, trong một số nền văn hóa, nó còn tượng trưng cho niềm đam mê và vẻ đẹp thuần khiết.

Ngoài ra, theo góc nhìn khoa học, trồng hoa giấy trước nhà không chỉ làm đẹp cảnh quan mà còn giúp lọc sạch bụi bẩn, mang đến bầu không khí trong lành, mát mẻ cho khu vực xung quanh ngôi nhà. Không chỉ vậy, hoa giấy còn được chứng thực về tác dụng chữa bệnh bởi lá của nó chứa hợp chất kháng khuẩn và chống viêm cực kỳ mạnh mẽ, hỗ trợ trị bệnh tiểu đường, nhiễm khuẩn đường hô hấp. Trong nhiều bài thuốc của Ấn Độ, lá cây hoa giấy được sử dụng để trị tiêu chảy và làm giảm nồng độ axit trong dạ dày hay tại Cộng hòa Panama, hoa giấy được dùng để bào chế thuốc điều trị huyết áp thấp, chữa ho, đau họng và viêm gan.

hoa giay paper flower plant Bougainville

Tuy nhiên, nhựa của hoa giấy có thể gây phát ban nghiêm trọng trên da, cần thận trọng khi chăm sóc và sử dụng cây làm thuốc. Ảnh: Tư liệu

Điều kiện sinh trưởng và cách chăm sóc 

Hoa giấy là loài cây dễ thích nghi, linh hoạt trong việc trồng ngoài vườn hoặc chậu. Tuy nhiên, ít người biết rằng, điều kiện thời tiết của từng khu vực và vị trí trồng có thể ảnh hưởng đáng kể đến tốc độ sinh trưởng và mật độ hoa của cây. Cây hoa giấy phát triển rất tốt trong thời tiết nóng, khô và nhiều nắng bởi ánh nắng đầy đủ là yếu tố vô cùng quan trọng để cây nở hoa. Nó cần hấp thu trực tiếp ít nhất 6 giờ ánh sáng mặt trời mỗi ngày. 

paper flower plant Bougainville

Ảnh: Micheile Henderson

Nhiệt độ lý tưởng để cây sinh trưởng khỏe mạnh là không vượt quá 38 độ C vào ban ngày và không dưới 12 độ C vào ban đêm . Vì vậy, nếu bạn ở khu vực miền Trung và miền Nam Việt Nam, bạn có thể thoải mái lựa chọn trồng cây trong chậu hoặc ngoài vườn. Tuy nhiên, nếu bạn ở khu vực miền Bắc, đặc biệt là ở các vùng núi phía Bắc, sẽ tốt hơn nếu bạn trồng cây trong chậu để dễ dàng mang cây vào nhà khi mùa đông đến.

hoa giay paper flower plant Bougainville

Ảnh: Ch P

Cây hoa giấy có nhu cầu tưới nước vừa phải do dễ bị thối rễ, nên cần đảm bảo đất trồng thoát nước tốt và sắp xếp chu kỳ tưới tiêu hợp lý. Bạn có thể xác định thời điểm tưới thích hợp bằng cách quan sát và nhận định: bề mặt đất khô ráo, khi xới đất lên khoảng 5cm mới cảm nhận được độ ẩm – chính là lúc cần tưới nước. Bạn cũng nên sử dụng vòi xịt phun sương hoặc tia để hạn chế lượng nước tập trung vào một chỗ.

paper flower plant Bougainville

Ảnh: Alejandro Correa Huitrón

Để kéo dài thời gian nở hoa của cây, bạn có thể bón phân với tần suất khoảng 4 tháng một lần. Bón phân thường xuyên sẽ kích thích sự phát triển mạnh mẽ ở hoa và lá. Tuy nhiên, không nên dùng phân đạm cao và theo dõi sát sao độ pH của đất vào mùa sinh trưởng để duy trì sự cân bằng, tránh việc cây không ra hoa mà chỉ tập trung chất dinh dưỡng để nuôi lá. Hoa giấy phát triển tốt nhất với đất có độ pH từ 5.5 đến 6.0, bạn có thể thêm đá vôi để tăng độ pH hoặc lưu huỳnh để giảm độ pH cho đất khi cần thiết.

Thực hiện: Thùy Như


Xem thêm: 

Trúc: Loài cây mang vẻ đẹp văn hóa và phong thủy

Hoa sen: Biểu tượng của sự thuần khiết và kiên định

Cây lan hồ điệp: Cách chăm sóc và nuôi trồng hiệu quả

Admin

Link nội dung: https://vuihoctienghan.edu.vn/hoa-giay-manh-me-va-ruc-ro-elle-decoration-vn-1734634212-a510.html