Tin nhắn vay tiền có được xem là chứng cứ đòi nợ không?

(PLO)- Ảnh chụp màn hình tin nhắn vay tiền được xem là một dạng chứng cứ và có thể sử dụng để khởi kiện đòi lại tài sản.

(PLO)- Ảnh chụp màn hình tin nhắn vay tiền được xem là một dạng chứng cứ và có thể sử dụng để khởi kiện đòi lại tài sản.

Bạn tôi nhắn tin qua mạng xã hội để vay tiền, sau đó tôi chuyển khoản. Tuy nhiên đến hạn trả nhưng bạn tôi "bùng", nói không nhớ. Xin hỏi ảnh chụp màn hình tin nhắn vay tiền có được sử dụng để kiện đòi tiền không, thưa luật sư?

Bạn đọc Minh Trần (TP.HCM)

Luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn Luật sư TP.HCM trả lời:

Điều 116 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.

Bên cạnh đó, khoản 1 Điều 119 Bộ luật Dân sự 2015 quy định giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể. Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản.

tin nhắn vay tiền
Ảnh chụp màn hình điện thoại thể hiện có tin nhắn vay tiền có thể được sử dụng để khởi kiện đòi lại tài sản. Ảnh: THẢO HIỀN

Như vậy, việc vay tiền qua tin nhắn có thể được xác định là một giao dịch dân sự và là một dạng hợp đồng vay tài sản đã được xác lập. Đây là thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay. Khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác. Theo đó, nếu đến hạn mà bên vay không trả thì được xem là hành vi vi phạm hợp đồng.

Để xác định ảnh chụp màn hình tin nhắn vay tiền có được sử dụng để kiện đòi tiền được không, đầu tiên cần phải xác định ảnh chụp màn hình đó có phải chứng cứ hay không.

Cụ thể, Điều 93 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định chứng cứ trong vụ/ việc dân sự là những gì có thật, được đương sự và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác giao nộp, xuất trình cho Tòa án trong quá trình tố tụng hoặc do Tòa án thu thập được theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và được Tòa án sử dụng làm căn cứ để xác định các tình tiết khách quan của vụ án cũng như xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp.

Thêm vào đó, khoản 1 Điều 94 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định về việc thu thập chứng cứ được thực hiện từ các nguồn sau đây: Tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được, dữ liệu điện tử.

Theo đó, có thể xác định ảnh chụp màn hình điện thoại thể hiện có tin nhắn vay tiền cũng được xem là một dạng chứng cứ và có thể được sử dụng để khởi kiện đòi lại tài sản.

Ngoài ra, việc cho vay tiền qua tin nhắn thường sẽ cho vay bằng hình thức chuyển khoản thông qua tài khoản ngân hàng. Do đó, trong trường hợp này, người dân có thể tiến hành thực hiện thủ tục sao kê tài khoản ngân hàng hoặc một số các chứng cứ khác chứng minh việc đã chuyển tiền và bên vay đã nhận được tiền chuyển khoản. Đây cũng được xem là một trong các chứng cứ hữu ích có thể khởi kiện đòi tiền đã cho vay.

Theo dõi Báo Pháp Luật Tp HCM trên Google News

Admin

Link nội dung: https://vuihoctienghan.edu.vn/tin-nhan-vay-tien-co-duoc-xem-la-chung-cu-doi-no-khong-1735688411-a4037.html