* Trần Đường là nhà yêu nước chống Pháp, sinh nǎm 1839, quê ở làng Hiền Lương, Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hoà. Ông làm quan cuối triều Tự Đức. Khi thực dân Pháp đánh phá miền Bắc, ông liên hợp với các nhóm Cần Vương, quyết tâm chống giặc Pháp xâm lược.
Tôn Thất Thuyết nghe nói về ông, lấy làm khen ngợi, phong ông làm Tổng trấn Vạn Ninh, giữ phía Bắc tỉnh Khánh Hoà. Địa điểm chiến đấu của ông là đèo Dốc Thị phía nam quận lỵ Vạn Ninh. Nǎm 1884 giặc Pháp tiến công mạnh, Vạn Ninh thất thủ, ông rút lui cầm cự được ít lâu thì sa vào tay giặc. Ngày 1-8-1885 ông bị sử chém ở Nha Trang, lúc đó ông mới 46 tuổi.
* Báo Việt Nam độc lập, gọi tắt là Việt Lập, do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập, ra số đầu tiên vào ngày 1-8-1941. Tờ báo in thạch tại Pắc Pó, mỗi số khoảng 400 bản. Trong suốt thời gian ở Cao Bằng, Người thường xuyên viết bài và trực tiếp chỉ đạo tờ báo.
Khi Người sang Trung Quốc công tác, tờ Việt Lập được trao lại cho đồng chí Phạm Vǎn Đồng phụ trách. Với mục đích "cốt làm cho dân ta hết ngu hèn, biết các việc, biết đoàn kết đặng đánh Tây, đánh Nhật, làm cho Việt Nam bình đẳng tự do", báo Việt Lập thực sự trở thành người tuyên truyền và cổ động cho Mặt trận Việt Minh. Đến ngày Tổng khởi nghĩa tháng Tám nǎm 1945, báo Việt Lập đã ra được 126 số, sau đó tờ báo vẫn tiếp tục được xuất bản và là cơ quan ngôn luận của Cao Bắc Lạng, cuối cùng trở thành tờ báo của tỉnh Cao Bằng.
Báo Việt Lập được đánh giá là "Cái hồn của tổ chức cứu quốc... là tờ báo bí mật được quảng đại quần chúng hoan nghênh nhất".
* Ngày 1-8-1954 những người trí thức yêu nước ở miền Nam, trong đó có luật sư Nguyễn Hữu Thọ, thành lập "Phong trào bảo vệ hoà bình Sài Gòn - Chợ Lớn". Mục đích của phong trào được ghi rõ trong bản hiệu triệu: Muốn cho hoà bình ở Đông Dương được củng cố, quyền tự do dân chủ được bảo đảm, nước Việt Nam được thống nhất bằng tuyển cử tự do trong cả nước. "Phong trào bảo vệ hoà bình Sài Gòn - Chợ Lớn" là một tổ chức rộng rãi của mọi người Việt Nam yêu nước, tán thành thực hiện các điều khoản của hiệp định Giơnevơ.
Từ cuối nǎm 1954, Diệm khủng bố, bắt giam 40 sáng lập viên của phong trào. Chúng tra tấn đến chết giáo sư Nguyễn Thị Diệu, bắt giam luật sư Nguyễn Hữu Thọ, trong hai tháng 11 và tháng 12 nǎm 1954, hơn 3000 trí thức, hơn 1000 sinh viên, học sinh và 4000 công thương Sài Gòn đưa kháng nghị đòi Diệm phải trả tự do cho những người trong phong trào hoà bình.
* Ngày 1-8-1955 khánh thành đường sắt liên vận Việt Nam - Trung Quốc. Từ đây hệ thống xe lửa của Việt Nam nối liền với hệ thống đường xe lửa của các nước SNG và Đông Âu.
* Mỏ than cọc 6 (Quảng Ninh) là mỏ khai thác lộ thiên lớn nhất nước ta, được thành lập ngày 1-8-1960. Tại đây có nhiều loại than có chất lượng cao, được khách hàng trong nước và nhiều nước trên thế giới ưa dùng. Mỏ than cọc 6 đã được Nhà nước tặng thưởng một Huân chương Độc lập, 46 Huân chương Lao động, 2839 Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, và có hai công nhân được tuyên dương Anh hùng lao động.
* Hevesy sinh ngày 1-8-1885 tại Buđapét (Hungari). Sau khi tốt nghiệp đại học, ông ra nước ngoài, đến làm việc tại các trung tâm khoa học nổi tiếng ở châu Âu.
Nǎm 1918, ông và Đơcoitơ (Hà Lan) đã phát minh ra nguyên tố 72, gọi theo tên La tinh của Copenhagen là Hafnium. Nǎm 1926, ông nghiên cứu các nguyên tố phổ biến trên trái đất và trong vũ trụ. Nǎm 1927, ông hệ thống hoá các nguyên tố hiếm của đất. Nǎm 1932, ông tìm ra phương pháp pha loãng đồng vị và dùng để xác định hàm lượng chì trong quặng. Với sự phát hiện ra Phốt pho 32, ông dùng nó để xác định sự trao đổi chất trong xương, máu và khối u ác tính. Ông được giải Nôben, là hội viên và viện sĩ nhiều tổ chức khoa học và Viện hàn lâm khoa học thế giới. Ông mất ngày 5-7-1966.