Chướng bụng vì uống quá nhiều nước làm “mát gan”
Thời gian gần đây, chị Trần Thị Trang (ở phố Ngụy Như Kon Tum, Thanh Xuân, Hà Nội) luôn tất bật với việc chuẩn bị các loại nước uống giải nhiệt mang theo cho cả nhà. Chị cho biết, do hay bị “nóng trong” nên chị thường rất sợ mùa hè và phải tìm mọi biện pháp để thanh nhiệt, giải độc. Do đó, ngoài việc đảm bảo ăn nhiều rau xanh trong các bữa ăn hàng ngày, chị thường pha thêm các loại nước uống có tính mát để mang đi làm. Chị cho hay, bên cạnh các loại nước giải nhiệt phổ biến như mơ, sấu ngâm, chè đậu đen, mới đây, chị biết thêm phương pháp dùng gạo lứt rang để pha thành nước uống. Theo chị, đồ uống này không những có tác dụng giải nhiệt mà còn tốt cho sức khỏe.
“Nghe mọi người mách uống nước gạo lứt rang có tác dụng giải độc gan, bớt nóng trong, giúp da dẻ hồng hào nên tôi cũng áp dụng thử. Cách làm khá đơn giản, chỉ cần mua gạo lứt về, rang lên, sau đó đổ nước vào đun sôi là có thể uống được. Để tiết kiệm thời gian, tôi thường rang gạo từ tối hôm trước, sáng hôm sau chỉ cần cho vào đun cùng nước khoảng 15-20 phút là được. Sau khi tắt bếp, đợi nước nguội rồi rót vào chai mang đi. Hiện tại, mỗi ngày, tôi uống khoảng 1 lít nước gạo lứt rang và sẽ tăng lên nếu thấy có kết quả tích cực”, chị Trang chia sẻ.
Theo chị Trang, không chỉ riêng chị “bỏ công” pha chế nước uống giải nhiệt mang đi làm, ở công ty của chị, nhiều chị em cũng có thói quen tương tự. Các loại đồ uống cũng rất đa dạng, từ nước ép trái cây tươi đến nước pha của các loại trái cây ngâm.
Tuy nhiên, chị cũng cho hay, mới đây, một nữ đồng nghiệp của chị suýt "gặp họa" vì uống quá nhiều loại nước làm “mát gan”. “Sau 5 ngày liên tục uống nước atisô ngâm mang theo trong bình nhựa 1,5 lít, chị bạn tôi bắt đầu thấy bụng ì ạch, cảm giác bị đầy hơi và khó tiêu. Đến gặp bác sĩ tư vấn, chị được biết nguyên nhân là do đã uống quá nhiều nước atisô nên gây phản tác dụng. Đúng là cái gì “quá” đều không tốt”, chị Trang chia sẻ.
Không dùng để uống thay nước lọc
Trao đổi với phóng viên về tác dụng của một số loại nước giải nhiệt trong mùa hè, lương y Vũ Quốc Trung (Hội Đông y Hà Nội) cho biết, một số thực phẩm hay dùng trong những ngày hè oi bức như rau má, atisô, nhân trần, đậu đen hay nước gạo lứt rang... mặc dù có tác dụng rất tốt trong việc giải nhiệt, tuy nhiên không vì thế mà mọi người lạm dụng. Những người có tình trạng lạnh bụng, thường đi tiểu lỏng nên thận trọng khi dùng những loại thực phẩm có tính mát, tính hàn. Không nên sử dụng liên tục mà phải sử dụng luân phiên. Đặc biệt, không nên uống thay thế các loại nước trên thay nước lọc hàng ngày.
Theo tư vấn của lương y Đinh Công Bảy, Tổng Thư ký Hội Dược liệu TP HCM, để giải nhiệt trong mùa hè nóng bức nên thường xuyên ăn các loại rau xanh, củ quả, trái cây ít ngọt và kết hợp uống nhiều nước. Rau xanh cung cấp cho cơ thể nhiều dưỡng chất quan trọng như protein, các vitamin bảo vệ cơ thể, các chất khoáng vi lượng… Đối với những người hay bị nóng trong, hay bị táo bón, suy nhược thần kinh, thường ra mồ hôi trộm, dễ bị rôm sảy, mụn nhọt... thì không nên ăn các món ăn có tính nhiệt, nóng, chiên xào nhiều dầu mỡ, nướng mà nên dùng các thực phẩm có tính mát như đậu xanh, đậu đen, rau má, rau mồng tơi, bí đao, súp lơ, cà chua, dưa leo, nghêu, sò, ốc, hến, tôm nước ngọt, cua đồng…
Ví dụ, đậu đen giàu chất xơ, chất chống ôxy hóa, giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, mỡ máu cao, phòng ngừa đột quỵ. Vào mùa hè nắng nóng, dùng chè đậu đen là rất thích hợp trong việc giải nhiệt. Tuy nhiên, không ăn chè đậu đen quá ngọt và không nên ăn thường xuyên trong một vài ngày để tránh bị lạnh bụng, ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa.
Tương tự, atisô có tính mát, có tác dụng nhuận gan, lợi mật và để phục hồi nhu mô gan nên được dùng để giải độc cho cơ thể. Người bị viêm loét dạ dày, tá tràng cũng có thể dùng atisô. Tuy nhiên, loại nước uống này chỉ có lợi khi được uống với mức vừa phải, uống quá nhiều sẽ gây hại cho sức khỏe. Lương y Vũ Quốc Trung phân tích: “Vì atisô có tác dụng hỗ trợ tiết mật và co thắt túi mật để đẩy mật từ gan xuống ruột nên trường hợp lạm dụng uống quá nhiều atisô (khoảng hơn 2 lít/ngày) sẽ gây co thắt toàn bộ cơ trơn của đường tiêu hóa khiến người dùng bị đầy hơi, chướng bụng. Nếu tình trạng này diễn ra liên tục và kéo dài thì rất nguy hại đến dạ dày của người dùng”.
Còn theo ThS.BS Doãn Thị Tường Vi (nguyên Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện 198), gạo lứt chứa rất nhiều vitamin nhóm B, vitamin E, magiê, sắt và chất xơ. Chất xơ trong gạo lứt có tác dụng chống táo bón, nhuận tràng, giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn. Tuy nhiên, ThS.BS Doãn Thị Tường Vi khuyến cáo, một số lứa tuổi như trẻ em, người thể trạng yếu, gầy gò, đang trong thời kỳ thai kỳ, không nên sử dụng gạo lứt thường xuyên để tránh gây hại cho sức khỏe.
Một số loại nước giúp giải nhiệt ngày hè
- Nước dừa: Là loại nước uống rất giàu clorua, kali, magie, vitamin A, E, đồng thời chứa một lượng muối, protein hợp lý nên rất hữu hiệu trong việc thay thế nước điện giải khi bị tiêu chảy, người làm việc trong nhiệt độ cao, tập thể thao mất sức…
- Nước dưa hấu: Cung cấp cho cơ thể một lượng nước khá lớn và các vitamin A, B, C và các nguyên tố vi lượng như Fe, Ca, Mg... vì vậy, có tác dụng thanh nhiệt, dùng cho các trường hợp say nắng, mất nước…
- Nước cam: Giàu vitamin C, là thức uống rất tốt trong mùa hè, giúp cơ thể tăng hệ miễn dịch.
- Trà xanh: Giúp giảm mệt mỏi, căng thẳng khi làm việc ở cường độ cao và làm mát da, giúp giải nhiệt tốt.
- Rau má: Có vị ngọt, tính mát, tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu.
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm ( Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia)
Theo Mai Thùy
Báo Gia đình & Xã hội