Nhóm bài thơ: Huế, đẹp và thơ (1939) (Nam Trân - Nguyễn Học Sỹ)

Admin
Thi Viện - Nhóm bài thơ: Huế, đẹp và thơ (1939) (Nam Trân - Nguyễn Học Sỹ)

Tác giả: Đào Thái Tôn

Huế, Đẹp và Thơ ra đời (1939) đã gây một tiếng vang trên thi đàn vào buổi bình minh của Thơ Mới. Tản Đà ưu ái ngợi khen. Trước đó ba năm, năm 1936, khi Nam Trân in những bài thơ đầu trình diện làng thơ trên báo, Phan Khôi cũng đã có bài viết tán thưởng. Tuy nhiên, hai bậc cựu nho đều trách Nam Trân "chưa dụng công về vần".

Nam Trân nhũn nhặn nói với bạn bè: "Ông Chương Dân và ông Tản Đà trách tôi không dụng tâm về vần, lời trách ấy thật xác đáng. Nhưng xin thú thật, đối với thơ, tôi trọng nhất là nhạc điệu, thứ hai là ý tưởng, thứ ba là vần. Có lẽ vì thế mà tôi không phải là một thi gia, nhất là một thi gia theo luật thơ chuyên chế đời Đường".

Chúng ta cần phải hiểu ý của câu trả lời mềm mỏng nhã nhặn của Nam Trân: vốn là người hiểu sâu sắc thơ cổ Trung Quốc nhưng thơ Pháp đã giúp ông thoát khỏi sự gò bó của luật thơ "chuyên chế" đời Đường đã đến buổi suy tàn để hướng tới vần thơ rộng rãi của phong trào Thơ Mới; câu trả lời ẩn chứa sự mẫn cảm của người đã nhận ra và thể nghiệm thành công sự chuyển mình mạnh mẽ về bút pháp để hoà nhập vào "một thời đại trong thi ca". Huế, Đẹp và Thơ là một trong những tiếng chim gọi đàn. Còn việc có phải là một thi gia hay không thì đâu phải tự nhận mà được.

Hoài Thanh rất hiểu Nam Trân. Ông lập tức nhận ra Huế, Đẹp và Thơ như một gương mặt đặc sắc trong phong trào Thơ Mới, và chỉ đến Nam Trân "lối thơ tả chân mới biệt thành một lối", nên đã xếp Nam Trân làm "trùm xóm" thơ xứ Huế; bởi, với Huế, Đẹp và Thơ, Nam Trân đã khắc hoạ được cảnh, tình riêng của vùng đất cố đô, cũng như giờ đây chỉ với một "Hà Nội mùa thu cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ"... ta tưởng đâu như Trịnh Công Sơn là người của đất Hà Thành.

*

Thi nhân Việt Nam cho biết: "Nam Trân chính tên là Nguyễn Học Sỹ. Sinh ngày 15 février 1907 ở làng Phú Thứ thượng, huyện Đại Lộc (Quảng Nam). Học chữ Hán đến 12 tuổi và đã tập làm những lối văn trường ốc. Sau học trường Quốc học Huế, trường Bảo hộ Hà Nội. Có bằng tú tài bản xứ. Hiện làm tham tá toà Khâm sứ Huế".

Trong bản in Huế, Đẹp và Thơ năm 1997, Nxb. Văn học có ghi: theo "lời chú in lần thứ hai Thi nhân Việt Nam thì Nam Trân đã được cải bổ vào chính phủ Nam triều, hiện giữ chức Tá lý bộ Lại" (1). Nhưng trong nhà thờ ở quê ông, hiện còn hai tấm biển gỗ sơn son thiếp vàng. Tấm thứ nhất do Bố chánh Nguyễn Tiến Lãng tặng; tấm thứ hai là bài thơ chữ Nôm, do Nguyễn Hữu Tú tặng, cho thấy năm 1944 Nam Trân được thăng chức Thị lang bộ Lại.

Như vậy đúng là khi đưa in Huế, Đẹp và Thơ, Nam Trân làm Tham tá toà Khâm sứ Huế. Khi xưa, Tham tá là quan chức cao cấp, phải có bằng Tú tài, nhưng sau đã được cải bổ sang ngạch quan lại của Nam triều và làm đến Thị lang bộ Lại.

Chúng ta đã có thêm tư liệu mới, bổ sung vào tiểu sử nhà thơ. Nhưng sinh thời, nhà thơ Nam Trân không quan tâm gì đến việc này vì làm quan triều Nguyễn không phải là việc đáng tự hào một khi đã đi theo Cách mạng. Vì thế, trước đây hơn 40 năm, từ 1965 đến 1967, chúng tôi chỉ biết ông là thầy dạy Kinh thi, Thơ Đường, là dịch giả tập thơ Nhật ký trong tù và hai tập Thơ Đường nổi tiếng. Ông sống cuộc sống giản dị ở Viện Văn học với gần ba chục học trò, cùng ở nhờ nhà dân trong những năm chiến tranh tại khu sơ tán. Ông luôn gọi học trò là "đồng chí". Nhưng các "đồng chí" của ông cũng không ai biết đến Huế, Đẹp và Thơ.

Điều này cũng dễ hiểu. Thời đại mới đòi hỏi nền văn học mới. Sau cách mạng Tháng Tám là chín năm kháng chiến. Từ sau 1954, ngay khi hoà bình lập lại trên miền Bắc là những cơn lốc về xã hội, tinh thần: Cải cách ruộng đất; đấu tranh chống Nhân văn giai phẩm; cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh; phong trào Hợp tác hoá, thi đua xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa...

Từ 1965 bắt đầu bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, lớp lớp thanh niên lại ra trận, hát vang "đường ra trận mùa này đẹp lắm"... "ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình"... nghĩa là gần bốn thập kỷ, không ai còn tâm trí nào để ngoái lại một thời văn học đã xa hay lục tìm "Thơ Mới" mà nhâm nhi thưởng thức nữa.

Trong hoàn cảnh khách quan (và cả chủ quan) ấy, Huế, Đẹp và Thơ cũng như nhiều thi phẩm hay khác đành phải nằm dưới lớp bụi của thời gian, trước tâm thế thời cuộc. Đến như trong lĩnh vực phê bình, Hoài Thanh cũng đã phải công khai phủ nhận một cách thành thực Thi nhân Việt Nam, tác phẩm làm nên văn nghiệp của đời ông (2). Chúng tôi không được biết đến Huế, Đẹp và Thơ cũng phải.

Thơ Nam Trân được tuyển qua các giai đoạn, như sau:

- Năm 1942, Thi nhân Việt Nam tuyển 7 bài:
1. Đẹp và thơ;
2. Huế, ngày hè;
3. Huế, đêm hè;
4. Trước chùa Thiên Mụ;
5. Mùa đông;
6. Giận khúc Nam Ai;
7. Nắng thu.

- Năm 1976 cuốn Hợp tuyển thơ văn Việt Nam 1920 – 1945 tuyển 4 bài;
- Năm 1995 cuốn Một thế kỷ thơ Việt 1900 - 2000 tuyển 2 bài;
- Năm 2005 cuốn Một trăm năm thơ đất Quảng tuyển 5 bài.

Hình như cuốn năm 1976 và 2005 đã tuyển thơ từ Thi nhân Việt Nam. Bản in 1995 thêm được 1 bài mới: Cánh cửa. Như vậy, suốt hơn 60 năm, người đọc tiếp nhận thơ Nam Trân chỉ qua 8 bài từ các tuyển tập.

*

Sau công cuộc Đổi mới, nhân kỉ niệm 80 năm sinh nhà văn Hoài Thanh (1909-1989), lần đầu tiên Nxb. Văn học in lại Thi nhân Việt Nam. Số lượng in 15.000 bản.

Nam Trân thì muộn hơn. Phải sau 30 năm ông qua đời, nhân dịp Hội Nhà văn tổ chức lễ tưởng niệm 90 năm năm sinh và 30 năm năm mất (1997), Huế, Đẹp và Thơ mới được in lại. Đề là 1.000 bản. Nhưng "do sơ suất ở khâu sửa bài", Nxb. Văn học phải dán thêm tờ đính chính mà đính chính chưa hết. Điều băn khoăn nữa là Nhà xuất bản không cho biết in theo bản nào, có sửa chữa, thêm bớt gì so với bản in đầu - trong khi Nam Trân cho biết, "hầu hết thảy những bài trong tập thơ này đã đăng trong các báo chí: An-nam tạp-chí, Văn-học tạp-chí, Tràng-an báo, Phong-hoá, Sông-hương và Tân-tiến (Sadec) v.v..." nhưng khi so các bài thơ in năm 1997 với các bài in trên mặt báo, thấy có những chữ khác biệt. Một số từ ngữ Huế trên báo, vào tập thơ biến thành từ ngữ Hà Nội. Tiêu đề bài thơ đôi khi cũng có chút thay đổi. Vậy tác giả hay biên tập sửa?

Ai cũng biết rằng với thơ, một dấu phảy (,) cũng đủ "sai một ly đi một dặm". Vì thế, chúng tôi chú tâm tìm bản in lần đầu. Rồi mong ước cũng đến. Tháng 4 năm nay, qua nhà văn Quang Hà, chúng tôi được nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân gửi cho tập Huế, Đẹp và Thơ ông còn lưu giữ được. Tại trang 5, có ba dòng thông báo:

ĐƯƠNG SOẠN

HUẾ, ĐẸP Và THƠ

(Tập thứ hai) (3)

Trang cuối ghi rõ:
"SÁCH NÀY IN XONG NGÀY 15 Février 1939 TẠI NHÀ IN TRUNG-BẮC TÂN-VĂN, 107 PHỐ HÀNG BUỒM, HANOI, SÁCH IN RA 1000 CUỐN BẰNG GIẤY BOUFFANT
Và 5 CUỐN BẰNG GIẤY VERGÉ BAROQUE (4) ĐÁNH SỐ TỪ I ĐẾN V"

Nhận thấy tập thơ đến nay đã trở nên rất hiếm, chúng tôi cho in theo lối ảnh ấn để bạn đọc có trong tay thi phẩm gần như trung thành tuyệt đối với bản in lần đầu. Ngoài mục đích lưu lại một kỉ vật của nhà thơ, người đọc còn có thể hình dung tại đây từ kĩ thuật in ấn, việc trình bày bìa, dàn trang... cho đến chính tả chữ Quốc ngữ với lối viết những từ ghép mà lớp người sinh ra những năm cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX vẫn quen dùng (Tràng-an, Phong-hoá, thi-ca, đủng-đỉnh, lờ-đờ, nước-non, cô-độc, rè-rè, xơ-xác)...

Trong tập thơ có nhiều câu vắt dòng, nhưng sau dấu phảy (,) của câu trên, câu dưới vẫn viết hoa, như vô thức, hoặc kín đáo diễn tả sự "chuyên chế" của một thời thơ chưa xa. Người đọc cũng còn thấy ở đây "màu thời gian" qua độ mòn của những con chữ chì sắp rời, những vết chèn chữ, kiểu chữ... Tuy kém sắc nét, khôn ngoan so với con chữ vi tính ngày nay, nhưng thời gian tính của ấn phẩm xưa lại chính là vẻ đẹp không bao giờ trở lại.

*

Như đã trình bày, do hoàn cảnh lịch sử, một thời gian khá dài Huế, Đẹp và Thơ đã không được tiếp nhận trong chỉnh thể tác phẩm nên mọi người chỉ biết đến Nam Trân qua Thi nhân Việt Nam, chưa có điều kiện tìm hiểu đặc sắc thơ ông một cách toàn diện. Vậy Huế, Đẹp và Thơ ở vào vị trí nào trong phong trào Thơ Mới ? Chúng tôi đặt ra câu hỏi này khi lần đầu đọc Huế, Đẹp và Thơ với một ấn tượng sâu sắc trong buổi tưởng niệm năm xưa.

Hôm ấy, nhà thơ Tố Hữu được mời lên phát biểu đầu tiên. Ông ôn lại kỉ mệm với vài nhà "thơ mới", rồi chậm rãi nói trong niềm xúc động: "Tôi kém anh Nam Trân 13 tuổi. Khi anh đã là nhà thơ nổi tiếng thì tôi mới bắt đầu làm thơ". Ông dừng lâu ở bài Sơn còn ướt mà theo ông, là bài thơ không chỉ lạ trong phong trào Thơ Mới mà lạ cho đến tận bây giờ. Ông thong thả đọc hết bài thơ, nhưng không bình luận gì. Cuối cùng ông nói những câu vô cùng ấn tượng:

"Tôi xin chắp tay lạy anh Nam Trân hai lạy. Cái lạy thứ nhất là tôi lạy tài thơ của anh Nam Trân. Ngày đó chưa ai viết về cảnh thiên nhiên, sông nước Huế hay đến như thế. Song lúc đó mà chỉ tả Huế với lời thơ dìu dịu đèm đẹp như thế thì tôi không chịu được. Tôi viết bài Dửng dưng với lời đề tặng tác giả Huế, Đẹp và Thơ, thì khác nào cái đá của chú thanh niên là tôi - trót đá vào chân ông già nhà thơ! Cái lạy thứ hai của tôi là đã "ngạo mạn" nói thẳng với nhà thơ già. Tôi vẫn giữ cái "dửng dưng" của tôi, thậm chí cái khinh ghét của tôi đối với cái "Huế của vua quan và bọn ham danh lợi" trong lúc Huế đang khổ đau với những Cô gái Sông Hương...".

Tôi hiểu rằng, khi ông nói, "tôi xin chắp tay lạy anh Nam Trân hai lạy", thì đó chỉ là một cách nói: ngoài việc đánh giá tài thơ Nam Trân, Tố Hữu muốn thể hiện sự tôn trọng một nhà thơ đàn anh đã thực lòng nhất tâm theo Cách mạng từ những ngày đầu, và có nhiều đóng góp cho nền văn học mới... Nhưng riêng với Sơn còn ướt, tôi cảm thấy như Nam Trân đã hé lộ tuyên ngôn: một tác phẩm nghệ thuật chân chính, bao giờ cũng đủ sức vượt lên thời gian, luôn tinh khôi như thuở ban đầu, rất cần sự nâng niu, trân trọng. Tác phẩm nghệ thuật không ưa cái nhìn cận thị, tọc mạch. Đó là những bức tranh sơn còn ướt. Xin đứng xa... Với một ám ảnh như vậy, khoảng tháng sau, nhân có việc gặp Tố Hữu, tôi muốn hỏi ông thêm về bài thơ.

Đó là hôm tôi mang hai trang bản thảo viết về Nam Trân. Vì trong bài có viết lại những lời Tố Hữu phát biểu trong buổi tưởng niệm, nên tôi muốn nhờ ông xem lại hộ. Ông vui vẻ nhận lời. Hôm sau, khi trao lại cho tôi ông dặn, "T. giữ làm kỉ niệm nhé. Mình chưa biên tập cho ai kĩ vậy đâu". Dĩ nhiên là ông không dặn, tôi cũng giữ.

Tôi đã đưa in đúng những gì ông biên tập. Nhưng có một câu băn khoăn, tôi đành bỏ. Đó là, sau khi dẫn đoạn thơ:

Ai bảo thiên đường sao lấp lánh
Tài hoa tinh kết, ngọc long lanh
Tôi chỉ thấy nơi đây mồ lạnh
Chôn linh hồn đắm đuối hư danh

Tố Hữu viết tiếp: "Tôi ngờ rằng ông Nam Trân cũng đã chôn mình trong cái mồ ấy chăng?".

Sách in xong, tôi đến thăm ông cũng cốt lựa lời nói lý do bỏ câu biên tập ấy:... "vì bài viết này là để kỉ niệm Thầy em, e rằng đưa câu của anh vào, không tiện". Ông cười rất hiền, khen phải. Nhân đà vui vẻ tôi toan trình bày cách hiểu bài thơ:

- Thưa Anh, Sơn còn ướt dường như biểu hiện một cái gì đó như nỗi khát khao, như quan niệm trước cái Đẹp...

Không đợi tôi nói hết câu, Tố Hữu giảng: Nam Trân là nhà thơ có cỡ. Sơn còn ướt chính là tâm trạng thực của ông. Khi là một nhà thơ, hình như ông ấy đã cảm nhận được một cái gì là đẹp, là hay đang nhú lên trong xã hội. Giận khúc Nam ai là một ví dụ. Nhưng chỉ thế thôi. Ông không đến gần hiện thực xã hội hơn nữa được. Tôi phản ứng với tác giả Huế, Đẹp và Thơ chẳng phải vì văn chương. Ông là Nhà thơ nhưng lại là một "ông quan", một viên chức cao cấp ở giới thượng lưu cho nên dù có thấy "cái đẹp" của phong trào xã hội đang lên lúc đó cũng không dám đến gần sợ nó "dính" vào mình thì nguy hiểm lắm! Bi kịch của ông là ở đấy (5).

Nhắc lại chuyện này để thấy việc tiếp nhận một bài thơ, một tác phẩm văn học bao giờ cũng là tiếp nhận từ nhiều ngả. Cách tiếp cận "xã hội học" của Tố Hữu cũng là một cách tiếp cận rất cần tham khảo.

*

Từ tìm hiểu một bài thơ chúng tôi mong đến với Huế, Đẹp và Thơ sao cho thơ nhất, bởi trước đây tôi cũng chỉ hiểu ang áng Thơ Mới là thơ lãng mạn, nhưng nay trở nên lúng túng: biết xếp vào khung nào đây những bài thơ đậm "lối tả chân" như tiếng rao quà, niềm tự đắc của anh chài, nỗi thương cảm cô thiếu nữ trẫm mình dưới đáy sông và những cuộc khiêu vũ phương Tây mới du nhập cùng tiếng nhạc chát chúa đang phá vỡ nét trầm mặc của xứ Huế mộng mơ? Nếu xem đó là những bài thơ bắt nguồn từ hiện thực thì tỉ lệ hiện thực và lãng mạn trong tập thơ ra sao, đó là chưa kể vài bài rất "tây" nhưng khó hiểu? Còn điều mà các nhà phê bình thơ rất hay quan tâm là: tư tưởng của nhà thơ - ông quan Nam Trân thể hiện đậm nhạt ra sao trong Huế, Đẹp và Thơ?

May thay, như một run rủi tình cờ, vừa qua gia đình nhà thơ đã sưu tầm được 15 trang viết tay ngày 10/10/1962, Nam Trân gửi Hoàng Xuân Nhị (6) trình bày một số tìm tòi trong Huế, Đẹp và Thơ. Chẳng hạn:

Về kĩ thuật thơ và nói riêng về kĩ thuật thơ tả cảnh, nhà thơ dẫn bài Mùa đông (cánh đồng An Cựu) cho thấy việc "vận dụng câu 6 tiếng, 7 tiếng v.v..." một cách sinh động, để lồng thêm vần vào đã tăng chất nhạc của thơ:

Lá bàng như lá vàng rụng     (câu 2 vần)
Ôi! đìu hiu cảnh chiều đông   (câu 3 vần)

Hoặc:
Thi tứ viển vông: thần Tưởng tượng
Như đàn cò đói lượn đồng không    (2 câu có 6 vần, 2 vần chéo)

Nhưng khi đã lồng vần rồi, cắt ra thành những câu từ 1 tiếng đến 5 tiếng đọc lên nhẹ nhàng, khác hẳn với câu viết nguyên mỗi câu 6 tiếng. Nhạc điệu và sắc thái câu thơ đều khác trước. Như vậy vừa đẹp tai, vừa đẹp mắt.

Lá bàng,
Như lá vàng
Rụng.
Ôi. Đìu hiu
Cảnh chiều
Đông.
....
Thi tứ viển vông
Thần tưởng tượng
Như đàn cò đói lượn
Đồng không.

Đọc lên khác hẳn với câu viết nguyên mỗi câu 7 tiếng".

Thậm chí Nam Trân đã sáng tạo ra những dấu mới (=) trong "Đời người II" để nói lên hai cái giống hệt nhau, "đều là gỗ trầm hương cả. Thế mà trầm hương này bị bỏ ri xuống đất đen làm bạn với mối mọt, trầm hương kia thì được đưa lên bàn thờ..."

Vốn là người theo nghiệp khoa cử, trong bài này, Nam Trân cũng không ngần ngại dùng điển cố trong những câu thơ hiện đại: Ông cho biết, "ý đoạn này là: Người sống ở đời như chiếc thuyền vượt sóng cả. Cũng là hiền triết như nhau nhưng nếu là Bá Di, Thúc Tề thì thuyền chúc xuống. Nếu là Y Doãn, Chu Công thì thuyền êm mà đi... Cho nên vinh hoa hay nhục nhã đều không phải vì bản thân con người... Đứng trước hiện tượng như vậy ta có nên khóc lóc thở than không? Trả lời: Cóc họ! Cứ cười lên khinh bỉ".

Đây cũng là một trong vài bài rất "tây", nhưng khó hiểu.

Về tả cảnh, Nam Trân chẳng những tả màu sắc, đường nét, ánh sáng mà còn tả âm thanh, hương vị, như trong bài Trước chùa Thiên Mụ:

Tiếng hát ngư ông đẫm bóng cây
Như làn khói nhẹ lên lên mãi...

Việc phối hợp hương vị và âm thanh được Nam Trân dẫn Huế, chiều hè (trong Huế, Đẹp và Thơ tập II):

Gọi nhau như gọi hoa hồ Tĩnh
Ríu rít trăm hoa ngát dặm đường

Ông cho biết đây là câu thơ tả "những em học sinh trường Đồng Khánh Huế đi học về. Tên các em toàn là tên hoa: Kim Cúc, Bạch Liên, Hương Liên, Tú Anh, v.v... cho nên khi các em gọi nhau ta nghe như các thứ hoa hồ Tịnh Tâm gọi nhau, ríu rít và thơm ngát".

Theo Nam Trân, nhiều khi tả cảnh còn phải phối hợp với màu sắc và âm thanh, như trong bài Nắng thu:

...Âm thầm cảnh vật vào đêm:
Vết ráng đỏ, tiếng còi xa cùng tắt

vì "nhà thơ tả cảnh phải cao hơn nhà hoạ sĩ rất nhiều. Hoạ sĩ không thể nào tả thanh âm và hương vị. Nhà thơ phải tận dụng", nên ông đã có gan là chê hai câu của Vương Bột:

Lạc hà dữ cô vụ tề phi,
Thu thuỷ cộng trường thiên nhất sắc.

Ông cho rằng câu thơ trên "thì hoạ sĩ cũng vẽ được vì toàn là màu sắc, ánh sáng và đường nét!" Chứ câu của ông: "Vết ráng đỏ, tiếng còi xa cùng tắt" thì "hoạ sĩ đành chịu lối tả cảnh cao cấp đó!"...

*

Sau Đổi mới, nếu như trong dịp đưa in lại Thi nhân Việt Nam, Từ Sơn đã làm được một việc có ích khi đưa những chi tiết rất đắt từ trong tư liệu còn lưu giữ được tại gia đình, như bản khai trong dịp học tập bảo vệ Đảng ngày 21/5/1970 hoặc những dòng ghi chép trong sổ tay, lời tâm tình của Hoài Thanh trước phút lâm chung vào Lời cuối sách, giúp bạn đọc hiểu ông hơn thì, với Nam Trân, 15 trang viết tay ngày 10/10/1962, cuốn vở ghi chép công việc trong thời gian dịch Ngục trung nhật ký..., cũng đều là những tài liệu rất cần thiết trong việc tìm hiểu Nam Trân cùng Huế, Đẹp và Thơ.

Tại phần đầu bài viết này, khi dùng hai chữ thành thực nói về việc Hoài Thanh phủ nhận tác phẩm đã làm nên văn nghiệp của đời ông, chúng tôi nhớ đến một kỉ niệm buồn. Trong lớp học chữ Hán ngày ấy, anh bạn H. của tôi là người rất mê Thơ Mới. Chúng tôi vẫn lén đọc cho nhau một số bài. Rồi một cô thôn nữ đã hút hồn anh. Họ cưới nhau. Mau mắn có đứa con trai. Ngày ấy chúng tôi được Đội tự vệ Viện Văn học cấp súng CKC để tập xạ kích. Một đêm, tiếng súng chát chúa đã báo sự chẳng lành: H. đã kết thúc đời anh một cách thảm thương ngay trong tổ ấm nhà vợ! Tôi được lớp cử đạp xe về Hà Nội lựa lời báo tin cho gia đình. Hôm sau, thay vì việc đưa tiễn H, chúng tôi phải tập trung nghe thầy Hoài Thanh từ Hà Nội lên giảng về tác hại của "thơ mới". Sau đó là dự cuộc họp Chi đoàn để nghe quyết định khai trừ anh. Ngày đó có lẽ bài giảng cuốn hút của nhà phê bình văn học nổi tiếng đã khiến nhiều người tưởng rằng Thơ Mới là nguyên nhân sâu xa trong cái chết của H., nên không mấy ai cảm thấy việc khai trừ anh là căng cứng gì. Vì theo lời giảng của Hoài Thanh, cái "tội" của Thơ Mới là ở chỗ "không đau mà rên" nên những người đã nhiễm phải thứ thơ ấy mà lại không có lẽ sống vững vàng thì, khi vỡ mộng rất dễ tìm về cái chết.

Nhưng thực tế đã càng ngày càng khiến Hoài Thanh phải "suy nghĩ rất nhiều" về việc tự phủ nhận Thi nhân Việt Nam của ông. Ngẫm lại việc này, thấy có cái gì đó hơi tồi tội: Nếu Thơ Mới không đau mà rên thì Hoài Thanh không khảo mà xưng! Ông hoang mang? Vì thế mới có bài "thơ chân dung" nổi tiếng: "Vị nghệ thuật nửa cuộc đời/ Nửa đời sau lại vị người ngồi trên/ "Thi nhân" còn một chút duyên/ Lại vò cho nát lại lại lèn cho đau!" (thơ của Xuân Sách, chú thích của Diễn Đàn).

Phải là người đọc kỹ Hoài Thanh, rất ngưỡng mộ ông, mới viết được mấy câu thơ "châm" đau như thế. Nhưng Hoài Thanh không giận. Ngược lại, trước phút lâm chung, còn thành thật nhận lại đứa con tinh thần một thời bị ông ruồng rẫy (7). Điều này có thể hiểu được: Hoài Thanh và Nam Trân đã sống trong giai đoạn có nhiều bão giông nên các ông luôn phải trăn trở về cái đúng cái sai trong suốt quá trình hoạt động của cuộc đời mình trước mỗi khúc quanh lịch sử.

Bây giờ tác phẩm của các ông thảy đều đã in lại, lấp dần những khoảng trống trong nền văn học hiện đại nước ta. Vì thế, tư liệu của nhà văn, tiếng nói của người cùng thời bao giờ cũng là những tài liệu rất cần thiết cho việc nghiên cứu tiểu sử và thơ văn của họ.

Về việc nghiên cứu sự nghiệp và thơ văn Nam Trân, từ sau năm 1997 đến nay tiến sĩ Nguyễn Hồng Minh, cán bộ giảng dạy trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã biên soạn được 260 trang tài liệu gồm việc chụp lại các bài thơ của Nam Trân in trên các báo từ trước 1939; những bài viết của Nam Trân trên Báo Văn học (Văn nghệ), Tạp chí Văn học; các bài phê bình thơ Nam Trân từ 1936, các bài viết về Nam Trân từ sau 1997... Ngoài ra Hồng Minh còn sưu tầm gần 200 trang, tập hợp các bản dịch thơ Đường của Nam Trân (có những bài ký Tương Như...) trên sách báo. Gần đây, bà Trần Thị Hường, con dâu nhà thơ cũng đã sưu tầm được hai tài liệu quý về Nam Trân: a) cuốn vở ghi công việc trong thời gian dịch Nhật ký trong tù, do Viện Văn học cung cấp; b) 15 trang thư ngày 10/10/1962, Nam Trân gửi Hoàng Xuân Nhị (GS Phan Cự Đệ cung cấp).

Trong những tài liệu đó, chúng tôi quan tâm nhiều đến cuốn vở của Nam Trân ghi về công việc dịch Nhật ký trong tù với nhiều chi tiết: "...8/2 gặp đ/c Tố Hữu – làm việc từ 16 giờ đến 18 giờ. Sửa chữa tập dịch thơ. Dịch thêm bài Tây phong lĩnh, lấy lại bài Chiết tự...."; ý kiến Hoài Thanh; làm dự trù 150 đ để trả tiền dịch vụ Pháp văn; chú thích 1932-1933? 1942-1943? Những ghi chép đó một lần nữa chứng tỏ công lao của Nam Trân trong việc dịch Nhật ký trong tù. Nhà thơ Tố Hữu từng có lần nói: "Việc dịch tập Nhật ký trong tù là cực khó. Vì ngoài kiến thức uyên thâm về Hán học ra, người dịch phải là nhà thơ thì mới mong dịch thơ Bác thành thơ cho có hồn được. Chỉ có anh Nam Trân có đủ hai mặt này nên anh được giao chủ trì công việc. Bác đã xem. Tôi thấy bản dịch đó là rất tốt. Gần đây, một số người đem dịch lại nhưng xem ra cũng chỉ đảo câu văn, thay chữ nọ bằng chữ kia thôi chứ chả hơn được tí nào"! (8)

Còn Chế Lan Viên thì viết: "Chỉ một việc anh dịch xong tập thơ của Bác, Anh đã coi là có thể làm xong nhiệm vụ của Cách mạng. Hàng triệu độc giả cũng cảm ơn Anh vì nhờ Anh, họ đã thưởng thức được Nhật ký trong tù... Gần đây có nhiều bạn nước ngoài muốn dịch thơ Bác ra ngoại ngữ đã tìm đến gặp Nam Trân... Một nhà thơ bạn bảo tôi: Thi sĩ Nam Trân giúp tôi hiểu được thơ Hồ Chủ tịch hơn đồng thời hiểu văn học cổ Việt Nam và phương Đông hơn. Chẳng có lời khen nào xứng đáng bằng" (9).

Trước Cách mạng tháng Tám Nam Trân tự hào về Huế, Đẹp và Thơ. Hai mươi hai năm đi theo cách mạng (1945-1967), niềm tự hào nhất của ông là đã dịch thành công Nhật ký trong tù. Sinh thời, trong câu chuyện tâm tình trên lớp, một hôm ông bỗng nói, tôi chết cũng được rồi các đồng chí ạ vì đã dịch thơ Bác và được Bác mời cơm. Vậy là Nhật ký trong tù đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh phê duyệt, trở thành một di vật lịch sử. Cần hết sức tôn trọng bản quyền dịch phẩm.

*

Sẽ là thiếu sót nếu chúng tôi, một trong những học trò của nhà thơ Nam Trân không nhắc lại ở đây đôi điều để tưởng niệm nhà thơ Nam Trân, người thầy dạy chúng tôi Kinh thi, thơ Đường trong hơn hai năm. Thầy không chỉ dạy cách thưởng thức cái hay cái đẹp, ý tại ngôn ngoại của câu thơ mà còn rất chú ý phân tích những hóc hiểm, những cái bẫy ngôn từ. Và nhiều khi trên lớp, ông như một mình thầm thì, nhấm nháp câu thơ mà độc thoại thành lời... Chúng tôi say theo cái say của ông...

Một hôm, nhân giảng đến bài có câu Quân vấn quy kỳ vị hữu kỳ...(thơ Đường), ông liên hệ với hai câu trong bài Ức hữu ở Nhật ký trong tù: "Tích quân tống ngã chí giang tân/ Vấn ngã quy kỳ chỉ cốc tân". Nếu bám vào mặt chữ, phải dịch Ngày nào bạn tiễn tôi đến bên sông, hỏi tôi bao giờ về, tôi... chỉ tay vào "cốc tân" (!).

Thế nhưng để học trò hiểu câu thơ này, Nam Trân giảng: chữ chỉ ở câu thơ không có ý nghĩa là dùng ngón tay để chỉ. Ở đây, tác giả đã vận dụng thành ngữ "chỉ nhật nhi đãi" của Trung Quốc, nghĩa là không lâu nữa, có thể thực hiện được (một việc gì đó). Vậy ba chữ chỉ cốc tân hàm nghĩa ước hẹn. Thành ngữ "chỉ non thề biển" của ta đã dùng chữ chỉ này. Chỉ cốc tân mang ý hẹn đến mùa sau. Vì thế Nam Trân dịch nghĩa: "Ngày nào bạn tiễn chân tôi đến bờ sông, hỏi tôi bao giờ về, tôi hẹn đến khi có lúa mới", rồi dịch thơ:

Ngày đi bạn tiễn đến bên sông
Hẹn bạn về khi lúa đỏ đồng

Vậy mà, do không hiểu chữ chỉ, Quách Tấn "dịch lại" là: "Trước đây anh tiễn tôi đến bên sông, anh hỏi tôi ngày về, trỏ mùa lúa mới", rồi dịch thành thơ:

Đưa nhau đến tận bờ sông
Ngày về?
- Hẹn bạn lúa đồng trĩu hương

Như thế, Quách Tấn lại phải lấy chữ hẹn của Nam Trân, không thể... trỏ vào mùa lúa mới được nữa (10).

Nam Trân là một nhà thơ có cỡ. Năm 1964, trong tiệc rượu tại Bắc Kinh, khi rượu đã ngà say, các bạn Trung Quốc mang mực Tàu giấy bản ra,... thách đấu thơ! Thi hứng đang nồng, ông phóng bút liền hai bài. Chữ ông rất đẹp. Bạn bè trầm trồ khen ngợi. Nhưng họ khen chữ hay khen thơ? Nhưng đến khi ông khoái bút, viết đến bài thứ ba, Nam hạ một câu thơ với văn khí rất hào sảng: Hồng kỳ nhật nhật tân thiên địa (Ngọn cờ hồng hàng ngày hàng ngày đổi mới đất trời Trung Hoa!) thì không ai còn xuýt xoa nữa. Họ ùa vào nâng bổng ông lên, "vác" quanh bàn tiệc! Ngay sau đó Tạp chí Thơ của Trung Qnốc (Thi san) số 10/1964 in "Thi tam thủ [Việt Nam] Nam Trân" (Ba bài thơ của Nam Trân – nhà thơ Việt Nam). Vì thế, tôi tin rằng Nam Trân đáng ra sẽ là một nhà thơ chữ Hán, nhưng nền Tây học đã kịp biến ông thành "tú tài bản xứ" và thơ Pháp đã cho ông góp Huế Đẹp và Thơ vào phong trào Thơ Mới đang mùa.

Nam Trân còn có dịp ứng tác hai bài tuyệt cú nữa. Nhưng lần này không phải một Nam Trân hào sảng bên chiếu rượu mà là Nam Trân của ba năm sau, trên giường bệnh. Ông không thể ngờ rằng trong phút buồn đau cô quạnh ấy, sự xuất thần đã cho ông viết rất nhanh, như từ trong cõi mộng những câu thơ buồn đến nao lòng!

Ngâm bãi phương từ ý dĩ xuyên,
Viện trung trách nhiệm khởi điềm nhiên.
Chỉ hiềm thoái bệnh vô thư phục,
Do thử hô lai bất thượng thuyền

Sau hôm ông mất, 21/12/67, thầy Đào Phương Bình tâm sự trước lớp có nhắc đến hai bài thơ này (11): Anh Nam Trân mất đi, tôi đau như mất một cánh tay. Từ nay không còn ai thù tạc nữa. Tôi nhận được bài thơ anh gửi cho từ lâu. Chả là tôi cũng sốt ruột, có viết thư về thăm anh nói là vào năm học rồi, rất mong anh khoẻ để lên dạy anh em. Câu Ngâm bãi phương từ ý dĩ xuyên, anh đã hiểu hết ý tôi rồi. Chữ phương từ hiểu là lời đẹp cũng được mà hiểu là lời thơ của Phương Bình cũng được. Hai câu sau, anh đâu có thể điềm nhiên trước trách nhiệm Viện giao, nhưng vì bệnh ở chân không khỏi... Nhưng đọc đến câu cuối, tôi giật mình: Do thử hô lai bất thượng thuyền. Viết thế này là sái rồi. Lý Bạch thì vì rượu, thiên tử gọi không đến (Thiên tử hô lai bất thượng thuyền). Nhưng anh đang ốm nặng, sao lại viết thế này. Sái quá!

Bài gửi cho các anh chị cũng sái.

Huỷ là 30. Địch Nhân Kiệt đời Đường có rất nhiều học trò nên người sau dùng điển "đào lý mãn thiên hạ", chỉ người nhiều học trò. Viết "Đào lý phương viên thắng huỷ đa" là thầy Nam Trân đã dùng hai chữ "đào lý" để chỉ hơn 30 người trong lớp ta (12). Hai câu đầu, hai năm qua thầy Nam đã hết lòng giảng dạy cho lớp. Câu thứ ba, nay lực bất tòng tâm, hết sức rồi (vô lực truyền xuân sắc). Nhưng câu thứ tư Trường hướng thu phong thán nhất ta! Gở quá. Mùa thu là mùa tiêu sái, mùa của hình quan. Hướng mãi ra gió thu mà than! thì câu thơ khác nào tiếng thở hắt ra! Thơ viết như thế là thơ viết để chết đấy, các anh chị ạ! Nghe thầy Bình giảng, chúng tôi sực nhớ câu tâm sự của thầy Nam Trân trước đây: "tôi chết cũng được rồi...". Đích thị là câu "nói gở"!

(Đào lý phương viên thắng huỷ đa,
Tiểu tâm bồi ủng nhị niên qua
Như kim vô lực truyền xuân sắc
Trường hướng thu phong than nhất ta!)

*

Nhà thơ, Dịch giả, Thầy Nam Trân ra đi từ bấy đã bốn mươi năm và năm nay cũng là kỉ niệm 100 năm năm sinh của ông. Từ Huế, Đẹp và Thơ với những câu thơ lung linh nét đời của thời trai trẻ đến những câu thơ nhiều tiên cảm lúc sắp đi xa đều được Nam Trân viết ra như từ trong cõi mộng, vừa như khắc khoải ưu tư trước cái vô lực chủ quan của đời người, vừa như an nhiên tự tại trước công việc và cái tất yếu của thiên quy địa luật không ai cưỡng nổi.

Nhưng vẫn còn đây nhà thơ của cái Đẹp, và của những cảnh đời bên sông Hương núi Ngự một thời.

Xin trân trọng gửi đến bạn đọc"nguyên bản" cái nhìn nhiều âu yếm của Nam Trân trước cảnh và người của kinh thành Huế của những ngày xa...

Hà Nội, 14/6 – 10/8-2007
Đào Thái Tôn

Admin

Hợp tác truyền thông, quảng cáo (0965.23.2222)