Lao phổi: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Bệnh lao phổi là gì? Mắc bệnh lao phổi do đâu, có những triệu chứng và cách điều trị như thế nào? Tất cả sẽ có trong bài viết dưới đây.

Lao phổi là một trong những căn bệnh hô hấp truyền nhiễm nguy hiểm có tỷ lệ tử vong rất cao nếu người bệnh không được điều trị kịp thời và đúng cách. Nắm rõ được những kiến thức về lao phổi là yếu tố quan trọng giúp mọi người phòng ngừa, phát hiện sớm và điều trị bệnh hiệu quả.

Lao phổi là bệnh gì?

Lao phổi là một dạng bệnh nhiễm trùng hô hấp gây tổn thương nghiêm trọng chủ yếu ở phổi và có thể ảnh hưởng đến một số bộ phận khác như: tim, gan, thận,... khi vi khuẩn đi vào trong máu tới những cơ quan khác.

Nguyên nhân gây bệnh lao phổi

Lao phổi xuất hiện do một loại vi khuẩn gây ra có tên gọi là Mycobacterium tuberculosis gọi tắt là trực khuẩn lao. Bệnh lao phổi không có khả năng di truyền nhưng tốc độ lây truyền giữa người với người cao. 

Bất kì ai cũng có nguy cơ mắc bệnh lao phổi. Dưới đây là một số nguyên nhân chính:

  • Bệnh lao có thể lây lan khi người bệnh ho, hắt hơi, nói chuyện,... Điều này có thể phát tán nước bọt chứa vi khuẩn lao vào không khí. Sau đó, một người khác có thể hít những vi khuẩn này vào phổi và nguy cơ mắc bệnh là rất lớn.
  • Bệnh lao lây lan dễ dàng ở những nơi người tập trung đông người hoặc nơi có người sống trong điều kiện đông đúc.
  • Những người nhiễm HIV/AIDS và những người khác có hệ miễn dịch yếu có nguy cơ mắc bệnh lao cao hơn những người có hệ miễn dịch thông thường.

Các triệu chứng thường gặp ở bệnh lao phổi

Triệu chứng của bệnh lao phổi được nhận biết thông qua các giai đoạn bệnh khác nhau. Dưới đây là các giai đoạn bệnh và các triệu chứng đi kèm thường thấy:

Bệnh lao nguyên phát

Giai đoạn đầu tiên của bệnh lao gọi là bệnh lao nguyên phát. Lúc này, các triệu chứng thường chưa xuất hiện hoặc một số ít trường hợp có những dấu hiệu như: ho, sốt nhẹ, mệt mỏi. 

Nguyên nhân là do khi vi khuẩn lao đi vào cơ thể, hệ thống miễn dịch bắt được tín hiệu xâm nhập của những vi khuẩn có hại này. Đa phần những vi khuẩn này bị tiêu diệt nên các triệu chứng gần như không có. Số ít vi khuẩn sống sót và bắt đầu nhân lên.

Bệnh không có khả năng lây nhiễm.

Bệnh lao tiềm ẩn

Khi số lượng vi khuẩn sống sót ở giai đoạn 1 nhân lên đủ lớn. Cơ thể phát ra tín hiệu cảnh báo, hệ thống miễn dịch bắt đầu xây dựng một bức tường bảo vệ xung quanh mô phổi. 

Vi khuẩn lao không thể gây hại nữa nếu hệ thống miễn dịch kiểm soát được sự phát triển của vi khuẩn này. Tuy nhiên chúng vẫn tồn tại. 

Người bị nhiễm lao tiềm ẩn cũng thường không có triệu chứng.

Bệnh không có khả năng lây nhiễm.

Bệnh lao đang hoạt động

Không giống với bệnh lao nguyên phát hoặc bệnh lao tiềm ẩn, bệnh lao đang hoạt động là giai đoạn nguy hiểm bởi lúc này, bệnh có khả năng lây truyền sang người khác.

Trực khuẩn lao gây bệnh khắp phổi và có thể lan sang các bộ phận khác của cơ thể theo đường máu.

Các triệu chứng của bệnh lao hoạt động ở phổi thường bắt đầu dần dần và trầm trọng hơn sau vài tuần. Chúng có thể bao gồm:

  • Ho
  • Ho ra máu hoặc chất nhầy
  • Đau ngực
  • Đau khi thở hoặc ho
  • Sốt
  • Ớn lạnh
  • Đổ mồ hôi đêm
  • Giảm cân không rõ lý do
  • Chán ăn, mất khẩu vị
  • Mệt mỏi

Bệnh lao hoạt động bên ngoài phổi

Nhiễm trùng lao có thể lây lan từ phổi đến các bộ phận khác của cơ thể. Đây được gọi là bệnh lao ngoài phổi. Các triệu chứng khác nhau tùy thuộc vào bộ phận nào của cơ thể bị nhiễm bệnh. Các triệu chứng phổ biến có thể bao gồm:

  • Sốt
  • Ớn lạnh
  • Đổ mồ hôi đêm
  • Giảm cân
  • Chán ăn, mất khẩu vị
  • Mệt mỏi

Xét nghiệm chẩn đoán bệnh lao phổi

Các bác sĩ có thể dựa trên những biểu hiện lâm sàng như: nghe phổi, kiểm tra các hạch bạch huyết xem có sưng không, các triệu chứng ho tức ngực, mệt mỏi (nếu có) để đưa ra những phán đoán ban đầu.

Để chắc chắn rằng người bệnh có bị lao phổi hay không, người bệnh có thể cần dùng tới những biện pháp xét nghiệm chẩn đoán sau đây:

Xét nghiệm Mantoux

Đây còn được gọi là xét nghiệm da tuberculin Mantoux. Bác sĩ sẽ tiêm một lượng nhỏ chất lỏng vào vùng da dưới cánh tay của người bệnh. Sau 2 - 3 ngày, họ sẽ kiểm tra tình trạng sưng ở cánh tay người bệnh. 

Nếu quầng đỏ thành hình quanh vết tiêm, bệnh nhân có thể đã nhiễm vi khuẩn M. Tuberculosis, nhưng bệnh lao không nhất thiết là đang hoạt động. 

Xét nghiệm máu bệnh lao

Còn được gọi là xét nghiệm giải phóng interferon-gamma (IGRA), đo lường phản ứng khi protein lao được trộn với một lượng nhỏ máu của người bệnh.

Xét nghiệm da và máu không thể xác định được nhiễm trùng lao ở người bệnh là tiềm ẩn hay đang hoạt động. Để kết luận chính xác, người bệnh cần được xét nghiệm tìm vi khuẩn lao trong đờm hoặc trong các bệnh phẩm khác.

Xét nghiệm đờm

  • Xét nghiệm trực khuẩn kháng axit (AFB) để tìm kiếm sự hiện diện của trực khuẩn lao có trong đờm của người bệnh.
  • Các xét nghiệm chuyên sâu như PCR lao,  Expert MTB/RIF, nuôi cấy vi khuẩn lao thường được dùng để chẩn đoán xác định lao hoạt động.

Chụp X-quang ngực hoặc chụp CT

Bệnh lao phổi điều trị như thế nào?

Hầu hết các trường hợp mắc bệnh lao phổi đều được chữa khỏi bằng thuốc chống lao. Nhưng phải mất một thời gian dài. Người bệnh phải dùng nhiều loại thuốc kết hợp với nhau trong thời gian ít nhất từ ​​6 đến 9 tháng.

Phác đồ điều trị còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, dưới đây là một số loại thuốc điều trị bệnh lao phổ biến nhất:

  • Nếu người bệnh mắc bệnh lao tiềm ẩn, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc tiêu diệt vi khuẩn để tình trạng nhiễm trùng không hoạt động. Người bệnh có thể dùng isoniazid, rifampin hoặc rifapentine đơn độc hoặc kết hợp. Thời gian dùng thuốc ít nhất là 3 tháng.
  • Sự kết hợp của các loại thuốc cũng điều trị được bệnh lao hoạt động. Phổ biến nhất là ethambutol, isoniazid, pyrazinamide và rifampin. Thời gian dùng thuốc kéo dài trong từ 6 - 12 tháng.
  • Nếu người bệnh mắc bệnh lao kháng thuốc, bác sĩ có thể kê đơn một hoặc nhiều loại thuốc khác nhau. Người bệnh có thể phải dùng chúng lâu hơn, lên đến 30 tháng và chúng có thể gây ra nhiều tác dụng phụ hơn. Người bệnh cần chuẩn bị tâm lý điều trị thật tốt bởi lao kháng thuốc rất phức tạp, khả năng trị khỏi chỉ chiếm tối đa 60%.

Biến chứng bệnh lao phổi

Bệnh lao phổi nếu không được điều trị hiệu quả có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm đến tính mạng. Ví dụ như:

  • Tràn dịch, tràn khí màng phổi
  • Ho ra máu
  • Áp xe phổi
  • ...

Phòng ngừa bệnh lao phổi hiệu quả

Bệnh lao phổi đang hoạt động có khả năng lây nhiễm rất cao. Người bệnh lao phổi cần tự giác cách ly và sử dụng các biện pháp bảo hộ khi tiếp xúc với người khác, tránh tụ tập nơi đông người để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Để phòng ngừa bệnh lao phổi, mỗi người cần lưu ý những điều sau đây:

  • Tiêm vacxin ngừa lao phổi
  • Đeo khẩu trang khi tụ tập nơi đông người
  • Hạn chế tiếp xúc gần với người bị bệnh lao phổi có nguy cơ lây nhiễm
  • Giữ cho không gian của bạn được thông thoáng. Mở cửa sổ nếu có thể và sử dụng quạt. Vi khuẩn lây lan dễ dàng hơn ở những nơi thông gió kém. 
  • ...

Trong quá trình chăm sóc người bệnh lao phổi tại nhà, người thân cũng cần lưu ý những biện pháp phòng hộ để có thể đảm bảo an toàn.

Bài viết trên đây là một số thông tin cơ bản và quan trọng nhất mà mọi người cần biết vệ bệnh lao phổi. Truy cập cẩm nang sống khỏe của BookingCare để đọc thêm nhiều bài viết y khoa hữu ích.

Admin

Hợp tác truyền thông, quảng cáo (0965.23.2222)