Hình ảnh cây tre trong văn hóa Việt Nam và trường phái ngoại giao cây tre Việt Nam

Admin
Thuật ngữ “Ngoại giao cây tre” bắt đầu xuất hiện, phổ biến sau bài phát biểu của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 ngày 22/8/2016.

Thuật ngữ “Ngoại giao cây tre”

Thuật ngữ “Ngoại giao cây tre” bắt đầu xuất hiện, phổ biến sau bài phát biểu của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 ngày 22/8/2016.

Sau đó, tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc thực hiện nghị quyết đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng năm 2021, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắc lại thuật ngữ này và làm rõ hơn nội hàm của nó.

Triết lý ngoại giao cây tre là mạch nguồn kết nối dòng chảy bất tận của dân tộc Việt Nam từ quá khứ đến hiện tại và tương lai, mang những phẩm chất tốt đẹp, vừa quật cường, kiên định nhưng cũng rất mềm mại, khôn khéo, đoàn kết, gắn bó, vì một tương lai tươi sáng cho dân tộc và cả nhân loại.

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mời Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Trung Quốc Tập Cận Bình thưởng trà (Ảnh: sưu tầm)

Hình ảnh cây tre trong văn hóa Việt Nam

Văn nghệ dân gian Việt Nam có câu chuyện: xưa kia, người Việt đem cây tre đi làm vật thách đấu với quỷ, bóng tre đi đến đâu, quỷ thua cuộc phải nhường đất cho dân lành đến đấy. Từ đó, xuất hiện hình ảnh câu nêu ngày Tết với niềm tin: cây nêu sẽ xua đuổi tà ma, mang lại cho mỗi nhà một năm mới bình an, no ấm.

Việt Nam với nền văn minh lúa nước, đa số người dân sinh sống ở làng quê sau lũy tre làng, nên từ nhỏ, những trò chơi dân gian, cả những trận đòn roi... đều gắn với cây tre.

Từ khi còn cắp sách đến trường, hầu hết chúng ta đều thích và thuộc lòng 2 câu thơ sau trong bài Tre Việt Nam của nhà thơ Nguyễn Duy:

“...Tre xanh, xanh tự bao giờ

Chuyện ngày xưa đã có bờ tre xanh...

Nhìn lại lịch sử của dân tộc Việt Nam, không ai đưa ra được thời điểm chính xác cây tre đã gắn bó máu thịt với dân tộc Việt Nam từ lúc nào, nhưng chắc chắn, từ rất xa xưa. Hình ảnh cây tre đều xuất hiện trong lời ru, trong những câu chuyện cổ tích của bà, của mẹ.

Đặc biệt là hình ảnh Thánh Gióng cưỡi ngựa, dùng tre đánh giặc trong câu chuyện lịch sử mà thầy cô đã kể. Nét độc đáo trong câu chuyện đậm đà sắc thái văn hóa dân gian này chính là cấu trúc đối ứng thể hiện ở mô típ vũ khí đánh giặc: roi sắt và gậy tre ngà. Roi sắt là hữu hạn, gậy tre là vô cùng. Roi sắt có thể gãy, nhưng tre ngà thì sẽ còn mãi mãi, lớp này lụi tàn, lớp khác sẽ mọc lên. Roi sắt là của quan sai rèn cho Phù Đổng, tre ngà là của tự nhiên, của dân trồng với một tinh thần trường tồn đánh giặc.

Thù này mãi mãi còn sâu

Trồng tre nên gậy gặp đâu đánh què! (ca dao)

Lớn lên, rời làng quê lên phố học hành, rồi ở lại làm việc, nhưng mỗi lần về thăm quê, nhìn hình ảnh bờ tre đầu làng là ta cảm thấy như được sống lại ký ức tuổi thơ, lòng bình yên đến lạ. Rồi những vật dụng gắn bó với cuộc sống hàng ngày tự ngàn xưa của người Việt, nay vẫn còn đó: từ cái rổ, cái nong, cái nia, đôi đũa bếp trong nhà, đến cái lờ, cái đó, cái đụt ngoài sông, ngoài ruộng....

Khi từ giã cõi đời, nhiều làng quê vẫn dùng đòn tre làm dụng cụ đưa con người trở về với đất mẹ. Ngay giữa Ba Đình, hai hàng tre xanh mang biểu tượng bình yên và cốt cách con người Việt Nam như muôn đời tỏa bóng mát cho giấc ngủ ngàn thu của Lãnh tụ Hồ Chí Minh, Người tiêu biểu nhất cho non sông và văn hóa Việt Nam...

Đặc biệt trong văn học phục vụ kháng chiến chống Pháp, rồi chống Mỹ giành lại độc lập tự do cho dân tộc, hình ảnh cây tre đã đi vào nhiều tác phẩm văn thơ vô cùng sống động. Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã viết: "...Đất nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre và đánh giặc...”.

Cây tre đã gắn bó máu thịt với mỗi người dân Việt Nam, bờ tre, lũy tre lặng lẽ chứng kiến biết bao nhiêu thay đổi của thời gian, bao bể dâu của lịch sử, của đời người và đất nước, dân tộc. Và nói đến cây tre cũng chính là nhắc đến sự can trường, điềm tĩnh mà thanh thản vô cùng như chính đất nước, con người Việt Nam. Cây tre mang một vẻ đẹp bình dị, rất Việt Nam, không lẫn vào đâu được:

Thân gầy guộc, lá mong manh

Mà sao nên luỹ, nên thành tre ơi

Ở đâu tre cũng xanh tươi

Cho dù cát sỏi đá vôi bạc màu...

Không phải ngẫu nhiên mà cụm từ cây tre ít khi được dùng riêng. Chúng ta vẫn thường nói lũy tre, bờ tre, khóm tre... bởi đơn giản tre không bao giờ đứng riêng lẻ một mình. Điều đó cũng chính là hình ảnh biểu trưng cho sự đoàn kết, làm nên vẻ đẹp hài hoà của đất nước và con người Việt Nam: tính cộng đồng của người Việt.

Trường phái “ngoại giao cây tre”

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khái quát triết lý của trường phái “ngoại giao cây tre” như sau: “Gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển, thấm đượm tâm hồn, cốt cách, khí phách của dân tộc Việt Nam; mềm mại, khôn khéo nhưng rất kiên cường, quyết liệt; linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, kiên định, can trường trước mọi thử thách khó khăn vì độc lập dân tộc, vì tự do hạnh phúc của Nhân dân; đoàn kết, nhân ái nhưng kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; biết nhu, biết cương, biết thời, biết thế, biến mình, biết người, biến tiến, biết thoái, tùy cơ ứng biến, lạt mềm buộc chặt”.

Đậm đà bản sắc và văn hóa Việt Nam, hình tượng cây tre và đường lối ngoại giao Việt Nam rất gần gũi nhau. Ngoại giao chính là sự giao thoa của chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, quốc phòng, an ninh...; là sợi dây kết nối quá khứ với hiện tại, và tương lai, kết nối Việt Nam với các nước. Ngoại giao lấy nền tảng là văn hóa dân tộc, mang nội hàm văn hóa dân tộc. Bản sắc của ngoại giao Việt Nam cũng chính là bản sắc dân tộc Việt Nam, văn hóa Việt Nam, được hun đút qua đấu tranh với thiên nhiên, với ngoại xâm hàng ngàn năm để gây dựng nên nền văn hiến lâu đời.

Như vậy có thể hiểu đường lối “ngoại giao cây tre” với Gốc vững chính là truyền thống tự lực, tự cường, là lợi ích quốc gia dân tộc, được dẫn dắt bởi nền tảng tư tưởng của Đảng. Thân chắc chính là bản lĩnh kiên cường trước mọi thử thách, khó khăn. Và Cành uyển chuyển chính là sự ứng xử “vạn biến” trước biến thiên của thời cuộc.

Bản sắc ngoại giao Việt Nam bắt nguồn từ những triết lý và truyền thống bang giao của cha ông ta: Đó là tinh thần độc lập, tự cường, hòa mục bên trong, hòa hiếu bên ngoài; là kiên quyết, kiên trì, biết thắng từng bước để đạt thắng lợi cuối cùng; là nghệ thuật dùng ngòi bút thay chiến bào, lấy chính nghĩa thắng hung tàn và thu phục lòng người. (Dùng cán bút làm đòn xoay chế độ, mỗi vần thơ bom đạn phá cường quyền, Trường Chinh).

Bản sắc ngoại giao Việt Nam thời hiện đại là tư tưởng, phương pháp, phong cách, nghệ thuật ngoại giao của Hồ Chí Minh với những bài học “dĩ bất biến ứng vạn biến”, biết nhu, biết cương, giúp bạn là tự giúp mình, vì hòa bình, hợp tác và sự tiến bộ của nhân loại. Đặc trưng quan trọng của bản sắc ngoại giao Việt Nam là không ngừng kế thừa và phát triển, sàng lọc qua thực tiễn và chắt lọc, tiếp thu những giá trị tinh hoa văn hóa nhân loại.

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Hơn 70 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, hoạt động đối ngoại đã làm nên nhiều thành tích vẻ vang, xây dựng nên một trường phái ngoại giao độc đáo, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam” – mềm mại mà cứng cỏi, nhân ái mà quật cường, biết nhu biết cương, biết thời biết thế, biết mình, biết người...thể hiện tâm hồn và khí phách của người Việt Nam”.

(TTH)

Tài liệu tham khảo:

  • Kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống” để bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng. Học viện Chính trị Quốc gia HCM. NXB Lý luận chính trị, 2024.
Admin

Hợp tác truyền thông, quảng cáo (0965.23.2222)