Bàn Thờ Thần Tài Gồm Những Gì, Đặt Ở Đâu [2023]

Chuyên gia hướng dẫn cách lập bàn thờ thần tài đẹp, chuẩn phong thủy. Bàn thờ thần tài gồm những gì, hướng đặt bàn thờ thần tài ở đâu theo quan niệm của người Việt Nam?

Bàn thờ thần tài gồm những gì, hướng đặt bàn thờ thần tài như thế nào, hay cách bài trí bàn thờ thần tài ra sao để tốt theo phong thủy, giúp việc làm ăn, kinh doanh thuận lợi, phát triển? Dưới đây, Batdongsan.com.vn sẽ hướng dẫn cho độc giả cách lập bàn thờ thần tài chuẩn nhất.

1. Bàn Thờ Thần Tài Là Gì?

Từ lâu, Thần tài đã được thờ phụng trong dân gian, trở thành một trong những tín ngưỡng đặc trưng của người Việt. Chính vì lẽ đó mà bàn thờ thần tài hay còn gọi là bàn thờ ông địa thần tài vẫn được bố trí trang trọng trong các gia đình hiện đại ngày nay. Trước khi tìm hiểu về cách lập bàn thờ thần tài, mời độc giả khám phá một vài thông tin thú vị xoay quanh nhé.

Thờ Thần Tài, Thổ Địa đã trở thành tín ngưỡng đặc trưng của người Việt
Thờ Thần Tài, Thổ Địa đã trở thành tín ngưỡng đặc trưng của người Việt

Thần Tài Là Ai?

Do người Việt chúng ta từ xa xưa chủ yếu là văn hóa truyền miệng nên có rất nhiều dị bản về sự tích ông Thần Tài. Tuy nhiên tinh thần chung nhất của các câu chuyện được kể lại về vị thần này như sau:

Thần Tài vốn là một vị thần sống trên Thiên đình, hàng ngày ông có nhiệm vụ kiểm kê, cai quản tiền bạc, tài lộc của nhân gian. Thế nhưng vị thần này có tính hay uống rượu. Kết quả là trong một lần say ngài đã rơi xuống dương gian, đập đầu vào đá khiến đầu óc không được minh mẫn, quên mất thân phận của mình. Ngài thường đi lang thang khắp nơi, dân chúng nhìn thấy tưởng người điên nên lột hết mũ áo của ngài.

Thần Tài ngày ngày đi ăn xin và ngài thường xuyên đi đến các quán có món yêu thích là vịt quay, heo quay. Chủ quán nhân lúc ế ẩm bèn mời ngài vào coi như bố thí cho một người ăn xin. Ai ngờ từ đó buôn bán đắt đỏ, khách vào nườm nượp suốt cả ngày. Tuy nhiên, do Thần Tài ngày ngày đến ăn chực nên vị chủ quán đó đuổi ngài đi. Từ đó chuyện kinh doanh ế ẩm, cả ngày vắng hoe không có một bóng khách nào.

Thấy sự lạ các hàng quán xung quanh cũng đua nhau mời Thần Tài đến ăn uống và ngài cứ vào quán nào thì quán đó buôn may bán đắt. Từ đó dân chúng tranh giành hậu đãi ngài, cũng thường xuyên đem quần áo mới đến biếu tặng cho ngài vui lòng. May thay ngài được tặng lại đúng bộ quần áo Thiên đình năm xưa, khi mặc vào ngài nhớ lại thân phận thật của mình và bay về trời.

Dân chúng lấy ngày ngài về trời là mùng 10 tháng Giêng để làm ngày Vía Thần Tài. Người ta cũng lấy luôn món yêu thích gà quay, heo quay ban đầu ngài ăn để thờ cúng.

Ý Nghĩa Của Bàn Thờ Thần Tài Thổ Địa

Người Việt từ xa xưa lập ra bàn thờ ông địa thần tài với mong muốn gửi đến vị thần này những mong muốn, nguyện vọng của mình trong thời gian tới. Vì đây là vị thần chuyên cai quản tài lộc, tiền bạc nên người dân cũng thường khẩn cầu để ngài ban cho nhiều lợi lộc, sự sung túc và giàu có.

Người dân quan niệm, bàn thờ ông địa thần tài càng được chăm chút thì chuyện làm ăn, kinh doanh sẽ càng phát tài phát lộc. Gia đình có bàn thờ thần tài cũng thường sung túc, no ấm, thịnh vượng hơn các gia đình khác. Các cá nhân tin vào tín ngưỡng này cũng nhận được may mắn về chuyện tiền bạc hơn.

Thần Tài được thờ cúng với hy vọng ngài sẽ cho nhân gian sự sung túc, no ấm
Thần Tài được thờ cúng với hy vọng ngài sẽ cho nhân gian sự sung túc, no ấm

Vì Sao Lại Thờ Chung Thần Tài Và Ông Địa?

Đây là thắc mắc của đại đa số mọi người khi gọi tên bàn thờ bằng cả danh xưng của hai vị thần này. Lý do họ thường xuyên xuất hiện cùng nhau và được thờ chung cũng khá đơn giản.

Theo dân gian thì Thần Tài là vị thần của tiền bạc còn Ông Địa lại là vị thần hộ mệnh cho mảnh đất, mùa màng bội thu, gia súc béo tốt, gia đình no đủ. Người Việt phát triển lên từ văn minh lúa nước nên khi cầu xin sự sung túc khó mà bỏ sót được vị thần tượng trưng cho nông nghiệp như Ông Địa.

Người ta cho rằng thờ cả hai vị thần này cùng lúc thì thỉnh cầu của mình sẽ được hai thần cùng chứng, sự sung túc nhờ thế mà mới trọn vẹn.

Những Ai Cần Lập Bàn Thờ Thần Tài Ông Địa?

Việc lập bàn thờ ông địa thần tài tùy theo quan niệm của mỗi người hoặc tùy theo văn hóa vùng miền chứ không có bất kỳ quy định cụ thể nào.

Thông thường tại miền Bắc, người dân thường đặt bàn thờ thần tài ở cửa hàng, công ty hoặc tại gia nếu có kinh doanh theo kiểu hộ gia đình. Các nhà không kinh doanh thì chỉ lập bàn thờ gia tiên bình thường và có thể sắp lễ cúng thêm vào ngày Vía Thần Tài.

Ngược lại ở miền Nam thì người dân lại quan niệm bàn thờ ông địa thần tài là vật phong thủy không thể thiếu được trong gia đình. Do đó, tại khu vực này đa số nhà riêng, công ty, nhà xưởng,… đều lập bàn thờ thần tài.

Gia chủ nên tìm hiểu cách lập bàn thờ thần tài, bao gồm các vật phẩm phong thủy liên quan và bài trí, sắp xếp ra sao để tốt nhất theo phong thủy. Vậy bàn thờ thần tài gồm những gì?

Bàn thờ thần tài bao gồm ban thờ và các vật phẩm phong thủy kèm theo. Dưới đây là cách chọn bàn thờ và các món vật phẩm cần thiết, bạn có thể ghi lại để tránh bỏ sót.

Bàn Thờ – Cách Chọn Bàn Thờ Thần Tài Đẹp, Kích Thước Chuẩn

Đối với bàn thờ ông địa thần tài thì bạn nên chọn chất liệu làm từ gỗ để đảm bảo sự trang trọng cho các nghi thức làm lễ sau này. Tùy vào điều kiện kinh tế mà bạn có thể chọn giá bàn thờ thần tài ở tầm trung làm từ gỗ xoan đào hoặc chọn bàn thờ dòng cao cấp hơn bằng gỗ lim, gỗ trắc,…

Đối với kích thước bàn thờ thần tài đẹp thì bạn có thể tùy chọn dựa theo không gian thờ cúng của mình. Tuy nhiên bạn nên tham khảo một trong các số đo sau để làm chiều sâu, chiều rộng cho may mắn nhé:

  • Sâu 48 cm tượng trưng cho Thiên Đức.
  • Sâu 49,5 cm, rộng 81 tượng trưng cho Hỷ Sự.
  • Sâu 56 cm, rộng 95 cm tượng trưng cho Tài Vượng.
  • Sâu 62 cm tượng trưng cho Đỗ Đạt.
  • Rộng 107 cm tượng trưng cho Quý Tử.

mẫu bàn thờ thần tài đẹp bằng gỗ
Một mẫu bàn thờ thần tài đẹp làm từ chất liệu gỗ

Xem thêm:

  • Nhà hướng Tây đặt bàn thờ hướng nào
  • Cách xác định 4 hướng Đông Tây Nam Bắc

Chọn bàn thờ thần tài cần phải phù hợp về kích thước, kiểu dáng và chất liệu. Trong đó, kích thước là yếu tố quan trọng nhất, cần được đảm bảo yếu tố phong thủy lẫn phù hợp với không gian. Khi chọn bàn thờ thần tài hãy lưu ý các yếu tố sau:

– Chọn kích thước bàn thờ thần tài: Bạn có thể chọn kích thước bàn thờ Thần Tài Ông Địa mà không dựa theo tuổi gia chủ, thay vào đó kích thước hợp phong thủy có thể được đánh giá qua thước lỗ ban.

Thước lỗ ban là loại thước đo trong phong thủy. Ở trên thước lỗ ban có chia kích thước thông thường kèm theo các cung để phân biệt tốt hay xấu. Qua đó, người dùng có thể biết được các kích thước nào rơi vào cung đẹp và kích thước nào ở cung xấu nên tránh. Để đo kích thước bàn thờ Thần Tài theo phong thủy, thường sử dụng thước lỗ ban 38,8 cm hay 39 cm. Theo đó, các kích thước rơi vào màu đỏ, tượng trưng cho cung tốt gồm cung Đinh, Vượng, Nghĩa, Quan, Hưng, Tài mà gia chủ nên chọn.

Ngoài ra, các nhà sản xuất bàn thờ thần tài thường chọn những con số có đuôi 8 để làm kích thước bàn thờ thần tài khi sản xuất. Sau đây là một số kích thước bàn thờ thần tài phổ biến:

  • 48cm x 48cm x 68cm là kích thước bàn thờ Thần Tài dạng nhỏ;
  • 61cm x 61cm x 88cm là loại bàn thờ cỡ vừa, phù hợp đặt trong nhiều không gian khác nhau;
  • 68cm x 68cm x 108cm và kích thước 81cm x 81cm x 108cm là loại có kích cỡ tương đối lớn, phù hợp không gian rộng rãi.

– Họa tiết bàn thờ thần tài có thể đơn giản hoặc cầu kỳ tùy theo mong muốn của gia chủ. Thông thường sẽ là các họa tiết cổ được chạm khắc tỉ mỉ, đẹp mắt.

– Còn về chất liệu của bàn thờ thần tài, hiện nay thường được làm chủ yếu từ gỗ và một số mẫu cao cấp bằng đá tự nhiên. Các loại gỗ phổ biến là gỗ dổi, gỗ mít, gỗ thông, gỗ hương, gỗ gụ và gỗ xoan đào.

Vật Phẩm Phong Thủy Trên Bàn Thờ Thần Tài

Đối với vật phẩm phong thủy cần có trên bàn thờ thần tài thì bạn cần chuẩn bị các món đồ sau:

  • Khảm gỗ: để đặt bài vị và tượng Ông Địa – Thần Tài.
  • Bài vị thần tài: Bài vị này thường được viết bằng chữ Hán có nội dung "Chiêu tài tiến bảo". Đôi khi gia chủ có thể đề thêm đôi câu đối “Thổ năng sinh bạch ngọc – Địa khả xuất hoàng kim” để thêm phần may mắn.
  • Tượng Ông Đại và Thần Tài: thường làm từ sứ và đặt ngồi cạnh nhau. Tượng Thần Tài thể hiện dưới hình ảnh một ông lão râu dài tóc bạc ngồi trên ngai, một tay chống gậy một tay cầm thoi vàng. Ông Địa là ông lão bụng phệ, một tay cầm quạt nan, một tay cầm vàng. Theo dân gian thì bạn cần đặt Thần Tài ngự bên trái, Ông Địa ngồi bên phải.
  • Ba hũ đựng gạo, muối và nước: Từ xưa đây được coi là những nhu yếu phẩm thiết yếu cho cuộc sống. Việc đặt chúng lên ban thờ có ý nghĩa cầu ấm no cho toàn gia. Bạn lưu ý là chỉ đến cuối năm bạn mới thay ba hũ này nhé!
  • Bát hương: Số bát hương được bày trên bàn thờ nên là số lẻ, thường thì là ba (đại diện cho thiên – địa – nhân) hoặc năm (đại diện cho các đức nhân – nghĩa – lễ – trí -tín). Kinh nghiệm là bạn nên dùng keo hoặc băng kính để giúp cố định bát hương vào ban thờ, tránh tình trạng bát hương bị đổ làm động bát hương.
  • Lọ hoa tươi và mâm ngũ quả: Đối với hoa thì gia chủ nên chủ động tìm mua các loại hoa cúc, hoa đồng tiền, hoa hồng. Không nên để hoa héo hoặc hoa giả để thờ Thần Tài. Hoa quả thì cũng nên chọn số lượng quả thờ là số lẻ. Sắp xếp bàn thờ thần tài với hai thứ này theo nguyên tắc “Đông bình – Tây quả”, có nghĩa là lọ hoa bên phải, hoa quả bên trái.
  • 5 chén nước: 5 chén nước này có thể xếp theo hình chữ Nhất hoặc chữ Thập tùy gia chủ. Số năm ở đây sẽ đại diện cho ngũ phương, ngũ hành cùng sinh sôi, phát triển, nở lộc đơm tài cho tín chủ.
  • Ông Cóc: Ông Cóc có thể ngồi bên trái bàn thời ông địa thần tài của chúng ta. Một số người vẫn gọi bàn thờ thần tài có 3 ông chính là vì có thêm Ông Cóc. Đây cũng là vị thần giữ lộc cho gia chủ, bảo vệ được tiền của. Hàng sáng sau khi thắp hương tại bàn thời bạn nên quay Ông Cóc ra cửa chính để đón may mắn, tiền bạc. Tuy nhiên bạn cần quay ông lại khi mặt trời lặn. Có như vậy Ông Cóc mới giúp bạn không bị thất thoát tiền của được.
  • Bát tụ lộc: Đây thực chất là một bát sứ trong suốt, đẹp và được đổ đầy nước. Gia chủ hoặc người nhà sẽ thường xuyên lấy cánh hoa tươi để rải lên trên. Bát tụ lộc này vốn được thực hiện dựa theo tinh thần "Minh đường tụ thủy" trong phong thủy từ trước.
  • Cốt thất bảo hay Ngũ Phúc Hoa Mai: cũng là các vật phẩm phong thủy tốt lành rất nên đặt trên bàn thờ. Chúng sẽ giúp bạn nạp phúc lộc cũng như tăng khí thiêng.
  • Ngoài ra, tùy theo ý muốn của gia chủ mà sắp xếp bàn thờ thần tài có thêm một số linh vật phong thủy như: Long Quy, Cóc Thiềm Thừ hay Tỳ Hưu. Đây đều là những linh vật chuyên chiêu tài lộc trong tín ngưỡng dân gian, ngoài ra chúng còn có tác dụng đem lại may mắn cho gia chủ.

Bàn Thờ Thần Tài Ngày Tết Nên Bài Trí Ra Sao?

Nhiều người băn khoăn về cách đặt bàn thờ thần tài trong ngày Tết có khác gì không? Thực tế, quanh năm chúng ta đặt bàn thờ ông địa thần tài ra sao thì đến ngày Tết vẫn giữ nguyên các thứ tự bày biện như vậy, tránh dịch chuyển gây mất lộc, không may. Tuy nhiên bạn nên dọn dẹp bàn thờ trước khi Tết đến, thay mâm ngũ quả và hoa tươi để đảm bảo những ngày đầu năm bàn thờ luôn tươm tất.

Ngoài thịt quay cùng đồ ngọt là những món không thể thiếu khi dâng lễ cho Thần Tài thì bạn cũng nên chú ý bày biện mâm ngũ quả bằng các loại quả sau để rước lộc đầu năm:

  • Đào: thể hiện cho tuổi thọ viên mãn, may mắn.
  • Lựu: ý chỉ đông con nhiều cháu, gia đình đề huề.
  • Phật thủ: ý chỉ bình an.
  • Táo: biểu hiện cho thành công, sự giàu sang phú quý.
  • Thanh long: ý chỉ rồng xanh tượng trưng cho may mắn, phát tài phát lộc.
  • Bưởi và dưa hấu: sự may mắn viên mãn, tròn đầy.
  • Sung: sự đầy đủ thịnh vượng.

Mâm ngũ quả bàn thờ thần tài
Mâm ngũ quả bàn thờ thần tài ngày Tết nên được chăm chút cẩn thận

3. Bàn Thờ Thần Tài Nên Đặt Ở Đâu?

Chọn vị trí đặt bàn thờ thần tài ở đâu là rất quan trọng bởi có thể ảnh hưởng đến tài vận của gia chủ. Cùng tham khảo những gợi ý sau:

Nên Đặt Bàn Thờ Thần Tài Ở Đâu?

Khác với bàn thờ gia tiên cần kê trên cao thì bàn thờ thần tài thổ địa cần phải đặt ở dưới đất tại một góc nhà. Thường là góc nhà thuộc tầng 1.

Hầu hết mọi người đều thắc mắc rằng có nên đặt bàn thờ Thần Tài hướng ra cửa hay không. Câu trả lời là bàn thờ ông địa thần tài luôn phải hướng ra cửa chính. Ngoài ra mặt trước của bàn thờ cũng cần quang đãng, sáng sủa sạch sẽ thì Thần Tài mới hài lòng.

Ngài cũng là người ưa sạch sẽ nên bạn cần chọn góc nhà có vách tường kiên cố, chắc chắn mà không có góc nhọn. Góc này cần có ánh sáng tự nhiên và thoáng khí.

Hướng Đặt Bàn Thờ Thần Tài Theo Tuổi

Tùy theo tuổi và mệnh của gia chủ để lựa chọn hướng đặt bàn thờ thần tài.

  • Nếu bạn thuộc Tây tứ mệnh thì nên kê về hướng Tây tứ trạch (gồm 4 hướng: Tây, Tây Nam, Tây Bắc, Đông Bắc)
  • Nếu bạn thuộc Đông tứ mệnh thì hãy kê về Đông tứ trạch (gồm 4 hướng: Bắc, Nam, Đông, Đông Nam).

Bàn thờ cũng nên ưu tiên theo thế “Tựa sơn hướng thủy” để đem về tài lộc.

Bạn có thể tham khảo hai vị trí kê bàn thờ thần tài phát tài phát lộc nhất hiện nay là:

Vị trí kê bàn thờ thần tàiÝ nghĩa
Bàn thờ kê tại cung Thiên LộcĐây là vị trí kê bàn thờ đem đến nhiều thăng tiến cũng như thịnh vượng nhất cho gia chủ. Khi có bàn thờ đặt ở cung này thì việc làm ăn sẽ sớm phát đạt, tấn tới. Sự thịnh vượng của cung này sẽ càng bền chặt nếu như bạn tránh được các sao Tử và Tuyệt tác động vào.
Bàn thờ kê tại cung Quý NhânQuý Nhân là vị cát thần linh thiêng trong tín ngưỡng lâu đời của người Việt chúng ta. Theo đó bàn thờ kê theo cung của thần này sẽ luôn mang về sự cát khánh, may mắn, thuận hòa. Các gia chủ đang gặp nhiều tai ương kê bàn thờ theo hướng này cũng được quý nhân phù trợ, chuyển hung thành cát trên cả công danh và kinh doanh.

kê bàn thờ thần tài tại cung Quý Nhân hoặc Thiên Lộc
Bạn nên kê bàn thờ thần tài tại cung Quý Nhân hoặc Thiên Lộc

4. Hướng Dẫn Cách Lập Bàn Thờ Thần Tài Chuẩn Phong Thủy

Chọn Ngày Cát Để Mua Bàn Thờ Mới

Riêng đối với bàn thờ thần tài thổ địa, bạn tuyệt đối lưu ý không sử dụng lại bàn thờ của nhà khác. Bạn nên chọn một ngày may mắn trong tháng hoặc ngày hợp với tuổi để đi mua bàn thờ. Có như vậy thì sau này mọi sự trong thờ cúng mới được hanh thông.

Khi chọn mua, bạn nên “trả tiền có lẻ” theo quan niệm của dân gian để có được may mắn. Chọn xong thì nên vận chuyển thẳng về nhà chứ không bê đi nhiều nơi.

Kê Bàn Thờ Vào Vị Trí Và Bày Biện Đúng Cách

Bạn nên kê bàn thờ vào góc phong thủy trong nhà như đã hướng dẫn ở trên. Lưu ý, bạn nên lấy nước gừng ấm và vải sạch để lau dọn bàn thờ từ trước rồi mới được kê.

  • Sau khi đã kê bàn thờ thần tài ở vị trí phù hợp, bạn cần biết cách bày ban thần tài sao cho đúng.
  • Trước tiên, tiến hành bày biện các vật phẩm phong thủy lên đó.
  • Bài vị cần được dán ở sát vách tường
  • Chính giữa bàn thờ là 3 hũ muối gạo nước, sau đó là Thần Tài bên trái, Thổ Địa bên phải.
  • Trước hai ông thì bên trái là bình hoa tươi và bên phải là mâm hoa quả.
  • Phía ngoài bàn thờ có thể đặt thêm ông Cóc bên trái.

Chọn Ngày Thỉnh Thần Tài Về Bàn Thờ

Ngày tốt nhất để thỉnh Thần Tài về nhập tượng là ngày vía của ông, tức là ngày 10 tháng Giêng âm lịch. Tuy nhiên nếu bạn không thuận tiện làm trong thời gian này thì có thể chọn các ngày mùng 10 âm hàng tháng cũng được. Lưu ý nếu bạn chọn những ngày này để mời Thần Tài nhập tượng thì cần chuẩn bị cả lễ ngọt, lễ mặn.

bàn thờ Thần Tài
Bạn nên chọn ngày vía Thần Tài để thỉnh ngài về

Sắm Lễ Cúng Bàn Thờ Thần Tài Mới

Tùy theo phong tục nơi bạn ở hoặc lập bàn thờ mà bạn có thể cân đối việc sắm đồ lễ cho hợp lý. Tuy nhiên một lễ cơ bản để cúng thỉnh Thần Tài sẽ bao gồm các món sau đây:

  • 10 bông cúc hoặc hồng vàng.
  • Đĩa xôi gấc.
  • 1 gà trống luộc, thịt lợn quay, vịt quay.
  • 1 mâm ngũ quả cùng 5 lá trầu, 5 quả cau.
  • 5 củ tỏi.
  • 1 chai rượu nhỏ mở nắp, 1 bao thuốc lá.
  • 5 ông ngựa đỏ nhỏ, 5 mũ ngũ phương long mạch và quần áo thần linh.
  • 5 thẻ hương cùng 10 lễ tiền vàng, tiền thần tài, đại thiếc,…

Thực Hiện Cúng Xin Thần Tài Nhập Tượng

Sau khi đã sắm lễ và bày biện tươm tất đặt lên bàn thờ thần tài thì có thể tiến hành cúng rồi an vị lô nhang để cầu an. Lúc này bạn cần chú ý xem 3 nén hương mình thắp có cháy hết hay không. Nếu hương không cháy hết thì thần không thuận tình, cần cúng lại.

Trong trường hợp hương đã cháy hết thì có thể khấn tạ, hạ lễ nhưng cần giữ hương từ 7 – 100 ngày tùy theo điều kiện gia chủ. Ngoài ra bạn có thể chọn thắp hương vòng hoặc mỗi ngày thắp một nén hương mới vào buổi sáng.

Sau khi lễ hoàn là bạn đã có bàn thờ ông địa thần tài linh nghiệm, có thể thực hiện cúng tế như bình thường.

Nên Cúng Thần Tài Thổ Địa Ngày Nào?

Bạn nên thực hiện cúng Thần Tài vào ngày vía của ngài là ngày 10 âm lịch hàng tháng. Ngoài ra các dịp đại lễ, giỗ chạp, ngày Rằm, mùng Một hay Tết bạn cũng nên chuẩn bị cỗ mặn hoặc cỗ ngọt để dâng lên cho ngài. Đối với ngày Thần Tài bạn nên chọn cúng vào khung giờ Thìn (từ 7 – 9 giờ sáng) để nhận được may mắn.

Riêng đối với các gia đình đặt bàn thờ tại địa điểm kinh doanh thì nên thắp nhang vào mỗi sáng trước khi mở cửa bán hàng để cầu tài cầu lộc.

thắp hương bàn thờ thần tài
Bạn có thể thắp hương tại bàn thờ thần tài hàng sáng để có thêm may mắn

5. Một Số Lưu Ý Khi Lập Và Thờ Cúng Thần Tài

Đối với bàn thờ ông địa thần tài bạn cần chu đáo trong cúng tế thì mọi việc mới được suôn sẻ, chuyện làm ăn mới có cơ hội khởi sắc. Hãy tham khảo các lưu ý dưới đây để đảm bảo bàn thờ nhà mình hợp phong thủy và đem đến sự thịnh vượng nhé

Những Sai Lầm Tán Lộc Mọi Người Thường Mắc Phải

  • Chọn tượng Thần Tài, Ông Địa không cẩn thận: Người ta thường rất kỵ tình trạng gương mặt hai ông thần không vui vẻ, hồ hởi dẫn đến mất lộc. Ngoài ra bạn cũng cần kiểm tra kỹ lưỡng để đảm bảo tượng không sứt mẻ, mất linh nghiệm hoặc khiến việc kinh doanh bị thăng giáng thất thường.
  • Bát hương và tượng Thần Tài, Ông Địa mua về nhà không được lau rửa kỹ càng đã đem thờ cúng.
  • Bàn thờ ông địa thần tài không nghiêm trang, có vật nuôi trong nhà đến quấy phá hoặc gia chủ không lau dọn cẩn thận, thường xuyên.
  • Thiếu bát nước Minh Đường Tụ Thủy.
  • Ông Cóc không được khai quang điểm nhãn hoặc gia chủ không biết hoặc quay ông Cóc không đúng cách để đón lộc.
  • Bàn thờ thần tài đặt ngay gần nhà vệ sinh làm ô uế hoặc bị gương chiếu trực tiếp vào.
  • Khi thắp hương cắm hương không ngay ngắn, bị chồng chéo lên nhau.
  • Đồ hạ lễ thì nên chia cho người nhà hoặc cất lại để giữ lộc, tránh đem chia ra ngoài hoặc để rơi vãi là mất lộc. Khi thay rượu hay nước thì nên đứng từ ngoài cửa tưới ngược vào trong nhà với ngụ ý mang tài lộc vào nhà.

Xem thêm:

Không Có Bàn Thờ Thần Tài Thì Cúng Ở Đâu?

Thờ cúng là chuyện rất linh thiêng, vì vậy bạn cần đặc biệt cẩn trọng trong việc thờ cúng Thần Tài. Nếu chưa có bàn thờ ông địa thần tài riêng thì chưa nên thờ Thần Tài ngay. Tuyệt đối tránh tình trạng thờ Thần Tài chung với bàn thờ gia tiên hay các dạng bàn thờ khác, bạn sẽ nhanh chóng bị mất lộc.

Vậy là Batdongsan.com.vn đã chia sẻ cách lập bàn thờ thần tài, đặc biệt là các lưu ý quan trọng khi sắp xếp, bài trí và chọn hướng bàn thờ ông địa thần tài. Chúc cho công việc làm ăn của bạn luôn phát tài, phát lộc và ngày càng thịnh vượng. Đừng quên theo dõi các bài viết mới trên website để bổ sung thêm nhiều thông tin hữu ích khác nhé.

Hà Linh

Xem thêm:

  • Chuông Gió Phong Thủy Là Gì – Ý Nghĩa Và Cách Treo Chuẩn Nhất
  • Long Mạch Là Gì? 3 Cách Tìm Long Mạch Đất Đơn Giản Nhất

Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm: Thông tin được cung cấp chỉ mang tính chất thông tin chung, Công ty cổ phần PropertyGuru Việt Nam không đưa ra bất kỳ tuyên bố hoặc bảo đảm nào liên quan đến thông tin, bao gồm nhưng không giới hạn bất kỳ sự tuyên bố hoặc bảo đảm về tính thích hợp cho bất kỳ mục đích cụ thể nào của thông tin theo phạm vi cho phép tối đa của pháp luật. Mặc dù đã nỗ lực để đảm bảo rằng thông tin được cung cấp trong bài viết này là chính xác, đáng tin cậy và hoàn chỉnh vào thời điểm đăng tải, nhưng thông tin được cung cấp trong bài viết này không nên được dựa vào để đưa ra bất kỳ quyết định tài chính, đầu tư, bất động sản hoặc pháp lý nào. Thêm vào đó, thông tin không thể thay thế lời khuyên từ một chuyên gia được đào tạo, người mà có thể xem xét, đánh giá các sự kiện và hoàn cảnh cá nhân của bạn, và chúng tôi không chịu bất kỳ trách nhiệm nào nếu bạn sử dụng những thông tin này để đưa ra quyết định.

Admin

Hợp tác truyền thông, quảng cáo (0965.23.2222)