Tác nhân gây ra sốt siêu vi là các loại virus, dễ lây truyền qua đường tiếp xúc gần. Sốt siêu vi rất thường gặp, ai cũng cần nắm được dấu hiệu sốt siêu vi cũng như cách xử lý để không bị bỡ ngỡ nếu chẳng may mắc phải.
1. Nhận biết dấu hiệu sốt siêu vi
Sốt siêu vi thường gặp nhất trong thời điểm thời tiết chuyển mùa do virus gây bệnh phát triển nhanh và dễ lây lan, sức khỏe của con người cũng yếu đi do các yếu tố môi trường. Người bị sốt siêu vi có thể bị nhiễm virus trước đó từ bất cứ bộ phận nào thuộc hệ hô hấp như: mũi, miệng, ruột, phổi,…
Sốt siêu vi do virus lây qua đường hô hấp gây ra
Sốt siêu vi thường không nguy hiểm, tuy nhiên đối tượng cần đặc biệt chăm sóc và theo dõi sức khỏe là người già và trẻ nhỏ. Nếu không được can thiệp kịp thời, sốt siêu vi ở những đối tượng có sức đề kháng kém này rất dễ gây biến chứng.
Dấu hiệu sốt siêu vi khá dễ nhận biết, tuy nhiên ở trẻ nhỏ thường dễ gây nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Dưới đây là các dấu hiệu điển hình của sốt siêu vi:
1.1. Cơ thể mệt mỏi, nặng nề
Khi virus xâm nhập, chúng tấn công mạnh mẽ để chống lại sự bảo vệ của hệ miễn dịch. Do đó, người bệnh thường cảm thấy cơ thể mệt mỏi, nặng nề, mất cân bằng miễn dịch nghiêm trọng nguy hiểm với trẻ nhỏ. Trẻ có thể không diễn tả đúng tình trạng mệt mỏi do sốt siêu vi gây ra nên cha mẹ cần chú ý theo dõi sát sao tình trạng bệnh.
Đau nhức cơ bắp là dấu hiệu điển hình của sốt siêu vi
1.2. Đau nhức cơ bắp
Đây là triệu chứng rất đặc trưng và dùng để phân biệt với các bệnh có triệu chứng tương tự khác như viêm đường hô hấp do vi khuẩn,… Phần lớn đau nhức cơ bắp sẽ kéo dài đến khi bạn khỏi bệnh.
1.3. Sốt cao liên tục
Ở cả người lớn lẫn trẻ nhỏ, sốt siêu vi đều gây ra những cơn sốt cao liên tục, ở trẻ nhỏ sốt cao rất nguy hiểm có thể dẫn đến co giật hoặc trẻ ngủ li bì. Thời gian đầu mắc bệnh, bệnh nhân chỉ bị sốt nhẹ nhưng nếu không điều trị và nghỉ ngơi tốt, thân nhiệt sẽ tăng dần đến mức nghiêm trọng.
Sốt cao do sốt siêu vi cần sử dụng thuốc hạ sốt để điều trị, đặc biệt là trẻ nhỏ kết hợp với các biện pháp hạ sốt khác tránh nguy hiểm cho sức khỏe người bệnh.
1.4. Ho, chảy nước mũi
Bệnh nhân sốt siêu vi bị ho và chảy nước mũi thường xuyên, đặc biệt dịch mũi chảy ra liên tục, trong suốt hoặc có màu xanh nếu có nhiễm khuẩn. Tình trạng này không chỉ gây khó chịu mà còn có thể gây phân tán virus, lây lan cho những người xung quanh nên cần hạn chế tiếp xúc gần, tránh ho gây phát tán dịch tiết ở nơi đông người.
Ho và chảy nước mũi cũng thường kéo dài khi bệnh được kiểm soát.
Dịch mũi do sốt siêu vi thường trong suốt
1.5. Nghẹt mũi
Dịch tiết mũi nhiều gây ra triệu chứng nghẹt mũi ở người mắc bệnh sốt siêu vi, gây cảm giác khó chịu, thậm chí khiến trẻ nhỏ bị khó thở. Nên sử dụng các biện pháp làm giảm nghẹt mũi hoặc thuốc điều trị để bệnh nhân dễ hít thở hơn.
1.6. Nổi mẩn đỏ trên da
Ít người biết rằng sốt siêu vi gây triệu chứng nổi mẩn đỏ trên da, đặc biệt ở trẻ nhỏ do sức đề kháng kém, dễ bị sốt cao. Triệu chứng này thường gặp ở các bệnh viêm nhiễm, dị ứng da nên có thể phân biệt dựa trên các triệu chứng đặc trưng của sốt siêu vi ở trên.
Dấu hiệu sốt siêu vi thường đến khá ồ ạt khiến người bệnh mệt mỏi, khó chịu, nên điều trị chủ động từ sớm để tránh bệnh nghiêm trọng và kéo dài hơn.
2. Sốt siêu vi kéo dài bao nhiêu ngày?
Sốt siêu vi do virus gây ra nên không sử dụng kháng sinh hay thuốc đặc trị khác, cần nghỉ ngơi chăm sóc, tăng cường hệ miễn dịch để cơ thể chống lại virus gây bệnh. Thời gian nhiễm bệnh sốt siêu vi còn phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe, sức đề kháng của mỗi người và hiệu quả điều trị.
Sốt siêu vi do virus nên không có thuốc đặc trị
Với người lớn, hầu hết trường hợp sốt siêu vi không quá nguy hiểm, thời gian bệnh kéo dài thường không quá 10 ngày. Tuy nhiên nếu không điều trị tốt từ sớm, ít nghỉ ngơi, chế độ ăn uống kém,… có thể khiến bệnh nặng và kéo dài hơn.
Cần cẩn thận với sốt siêu vi ở trẻ nhỏ, đây là đối tượng sức đề kháng còn kém và triệu chứng bệnh có thể nghiêm trọng như: sốt cao gây co giật, chảy nước mũi gây khó thở,… Vì thế khi trẻ có dấu hiệu của bệnh, nên đưa trẻ đi khám và điều trị, kết hợp với chăm sóc theo dõi thường xuyên để trẻ mau khỏe hơn.
3. Điều trị sốt siêu vi như thế nào?
Hệ miễn dịch sẽ tiêu diệt virus gây sốt siêu vi nhanh hơn nếu bạn biết cách chăm sóc và điều trị, ngoài ra cũng giúp giảm bớt triệu chứng khó chịu. Dưới đây là những cách điều trị sốt siêu vi đơn giản, dễ áp dụng và hiệu quả:
2.1. Dùng thuốc
Người bệnh có thể dùng thuốc hạ sốt không kê đơn để giảm sốt do sốt siêu vi, tuy nhiên cần có hướng dẫn của bác sĩ khi dùng cho trẻ nhỏ. Sử dụng sốt sẽ giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn trong nhiều giờ, tuy nhiên vẫn cần nghỉ ngơi để hệ miễn dịch hoạt động tốt hơn.
Các loại thuốc không kê đơn có tác dụng hạ sốt gồm: Aspirin, Naproxen, Paracetamol, Ibuprofen,…
Ngoài thuốc hạ sốt, có thể sử dụng thêm thuốc chống viêm, giảm ho, làm dịu cổ họng, thuốc tăng cường miễn dịch,…
Người bị sốt siêu vi nên uống nhiều nước
2.2. Uống nhiều nước
Đây là cách đơn giản nhưng hiệu quả để làm mát cơ thể, giảm sốt và rút ngắn thời gian sốt siêu vi tiến triển. Đặc biệt ở những người bị sốt cao kéo dài thì bổ sung nhiều nước cho cơ thể càng quan trọng hơn.
Ngoài nước lọc, nên đa dạng các loại chất lỏng để giúp người bệnh dễ uống hơn, ngoài ra còn bổ sung dinh dưỡng, Vitamin và khoáng chất tăng cường hệ miễn dịch như: nước ép trái cây, trà, súp, canh, nước điện giải,…
2.3. Nghỉ ngơi nhiều hơn
Sốt siêu vi có thể được đẩy lùi là nhờ hoàn toàn vào hệ miễn dịch cơ thể, để quá trình này được rút ngắn, cơ thể bạn cần được nghỉ ngơi nhiều hơn bằng cách: ngủ nhiều hơn, tránh các hoạt động thể chất mạnh, quá sức,…
Thói quen tập thể dục trong thời gian nhiễm bệnh cũng nên tạm ngưng bởi hoạt động gắng sức sẽ khiến cơ thể mệt mỏi, kiệt sức hơn.
Như vậy, các dấu hiệu sốt siêu vi khá điển hình và dễ nhận biết như sốt cao, chảy nhiều dịch mũi, ho, cơ thể mệt mỏi, đau nhức cơ bắp,… Khi xuất hiện các dấu hiệu này, người bệnh nên nghỉ ngơi và điều trị sớm để tránh biến chứng nặng, bệnh kéo dài ảnh hưởng tới sức khỏe.
Nếu cần tư vấn thêm, liên hệ với MEDLATEC qua hotline 1900 56 56 56 để được hỗ trợ.