10 dấu hiệu nhiễm trùng sau khi nhổ răng và cách xử lý

Khi có dấu hiệu nhiễm trùng sau khi nhổ răng như đau, sưng, có mủ, chảy máu liên tục, sốt cao hay các triệu chứng bất thường khác cần đến gặp bác sĩ ngay.

Khi không còn cách nào để bảo tồn răng đang hư tổn, bác sĩ sẽ thực hiện nhổ răng cho bạn. Tuy nhiên, việc nhổ răng không đúng cách, tại cơ sở thiếu uy tín sẽ tiềm ẩn các biến chứng, nhất là nhiễm trùng. Việc nhận biết sớm các dấu hiệu nhiễm trùng để điều trị kịp thời là điều cần thiết. Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Châu Bản, chuyên khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM chia sẻ về dấu hiệu nhiễm trùng sau khi nhổ răng và cách xử lý.

dấu hiệu nhiễm trùng sau khi nhổ răng

Nhiễm trùng sau khi nhổ răng là gì?

Nhiễm trùng sau nhổ răng, nhổ răng bị nhiễm trùng hay còn gọi là biến chứng sau khi nhổ răng được hiểu là hiện tượng vi khuẩn xâm nhập vào vết thương tại vị trí nhổ răng dẫn đến sưng đau, viêm nhiễm kéo dài. Hiện phần lớn các trường hợp nhiễm trùng thường xảy ra khi người bệnh nhổ răng khôn, nhất là tại cơ sở thiếu uy tín.

Danh sách các dấu hiệu nhiễm trùng sau khi nhổ răng

1. Đau dữ dội không thuyên giảm

Sau khi nhổ răng, người bệnh thường đau nhức nhưng nhanh chóng thuyên giảm sau 2-3 ngày và hết hẳn sau hơn 1 tuần. Tuy nhiên, khi những cơn đau kéo dài, dữ dội và trầm trọng theo thời gian, không giảm dần, có thể bạn đang gặp tình trạng nhiễm trùng vết thương. Đây là một trong những dấu hiệu thường thấy của dấu hiệu nhiễm trùng sau khi nhổ răng. (1)

dấu hiệu nhổ răng bị nhiễm trùng
Mặc dù có thể sẽ đau sau khi nhổ răng, nhưng nếu cơn đau tăng lên hoặc không cải thiện theo thời gian, thì đó có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng

2. Sưng tấy nghiêm trọng

Thông thường, sau nhổ răng, nhất là răng khôn, việc sưng tấy ở má là điều bình thường. Tình trạng này chỉ kéo dài vài ngày và thuyên giảm sau đó. Tuy nhiên, sưng tấy nghiêm trọng, không thuyên giảm là dấu hiệu nhiễm trùng sau khi nhổ răng. Bạn cần đến bệnh viện ngay để được bác sĩ khám và đưa ra phương pháp điều trị:

  • Sưng bên trong hoặc xung quanh vị trí nhổ răng kéo dài.
  • Nướu sưng tấy, đỏ, đau, lan rộng sang các vị trí bên cạnh.
  • Sưng mặt, sưng má, đặc biệt ở vị trí bên nhổ răng mà không có dấu hiệu thuyên giảm.
  • Sưng tấy nặng hơn theo thời gian kèm triệu chứng sốt. (2)

3. Chảy máu kéo dài

So với nhổ răng bình thường thì nhổ răng khôn gây chảy máu lâu hơn vì mạch máu và nướu ở niêm mạc bị tổn thương. Chảy máu sau khi nhổ răng khôn thường tự động hết sau vài giờ. Tuy nhiên, nếu nhổ răng mà tình trạng chảy máu kéo dài hoặc quá nhiều tại vị trí nhổ thì người bệnh nhất định không xem thường. Đây có thể là dấu hiệu nhiễm trùng, nhất là khi chảy máu lại sau thời gian ngừng chảy.

4. Hơi thở hôi hoặc miệng có vị lạ

Sau khi nhổ răng khôn, nhiều người bệnh thường không vệ sinh răng miệng đúng cách khiến hơi thở có mùi hôi hoặc có vị lạ dẫn đến nhiễm trùng.

5. Xuất hiện mủ

Vùng nướu tại vị trí nhổ của người bệnh bị sưng tấy, có mủ vàng hoặc mủ trắng do không vệ sinh kỹ sau khi ăn uống khiến vụng thức ăn mắc kẹt vào kẽ hở, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, dẫn đến nhiễm trùng. (3)

6. Sốt

Cơ địa của nhiều người bệnh rất yếu dẫn đến sốt sau nhổ răng, nhất là răng khôn. Tình trạng sốt nhanh chóng hết sau 2 – 3 ngày. Nếu sốt kéo dài hơn 1 tuần và trên 38 độ thì khả năng cao bạn bị nhiễm trùng sau khi nhổ răng. Sốt kéo dài hoặc ngày càng tăng thì có thể chân răng nhổ nhưng còn sót lại. (4)

7. Hạch bạch huyết bị sưng

Hạch bạch huyết bị sưng kèm triệu chứng sốt, kéo dài hơn 1 tuần thì người bệnh có thể đã bị nhiễm trùng sau nhổ răng.

8. Khó mở miệng

Khó mở miệng kèm theo đau nhức là một trong các dấu hiệu nhổ răng bị nhiễm trùng. Khi ổ răng vừa nhổ không được xử lý sạch sẽ làm cho người bệnh sưng mặt, viêm nhiễm, đau nhức ở vùng xương hàm, gây khó khăn khi cử động ở miệng.

9. Khó thở hoặc khó nuốt thức ăn

Khi ổ răng viêm nhiễm, người bệnh cảm thấy khó nuốt thức ăn hoặc khó thở kèm theo biểu hiện sưng tấy vùng nướu xung quanh, ảnh hưởng đến khả năng ăn nhai và áp lực lên hệ thống hô hấp.

10. Cảm thấy mệt mỏi, khó chịu hoặc ớn lạnh

Một số người sau nhổ răng sẽ mệt mỏi thời gian đầu nhưng nếu tình trạng này kéo dài, không thuyên giảm, người bệnh không nên lơ là vì đó là dấu hiệu nhiễm trùng sau khi nhổ răng.

Cảm thấy mệt mỏi, khó chịu hoặc ớn lạnh, dấu hiệu nhiễm trùng sau khi nhổ răng
Phần lớn các trường hợp nhiễm trùng thường xảy ra khi nhổ răng khôn

Nguyên nhân nhiễm trùng sau nhổ răng

Sau nhổ răng, người bệnh sẽ được bác sĩ chuyên khoa kê thuốc kháng sinh giúp ngăn nhiễm trùng, hạn chế các biến chứng. Tuy nhiên, nếu người bệnh chủ quan, không chăm sóc sau nhổ răng đúng cách sẽ có nguy cơ nhiễm trùng. Dưới đây là những nguyên nhân nhổ răng bị nhiễm trùng.:

1. Thức ăn bị mắc kẹt trong ổ răng

Nhiều trường hợp nhổ răng xong, nhất là nhổ răng khôn, người bệnh không vệ sinh răng miệng sau khi ăn khiến thức ăn mắc kẹt trong ổ răng gây nhiễm trùng.

2. Vệ sinh răng miệng không đúng cách

Vệ sinh răng miệng không đúng cách khiến miệng tích tụ mảng bám, vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào vùng vừa nhổ răng. Khi đó, người bệnh sẽ đau, viêm, xuất hiện mủ dẫn đến nhiễm trùng, nghiêm trọng hơn là nhiễm trùng xuất huyết.

Để tránh tình trạng nhiễm trùng, người bệnh cần vệ sinh răng miệng bằng bàn chải mềm, ít nhất 2 lần/ngày, sử dụng chỉ nha khoa và bàn chải kẽ sau khi ăn xong, nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng tăm nước để tránh tổn thương ổ răng vừa nhổ.

Ngoài ra, người bệnh cần súc miệng bằng nước muối sinh lý 3 lần/ngày cũng như hạn chế dùng đồ uống có cồn.

3. Hút thuốc và uống rượu bia làm tăng nguy cơ nhiễm trùng

Nhiều người bệnh có thói quen hút thuốc và uống rượu bia, tuy nhiên, vừa nhổ răng xong tuyệt đối không được sử dụng vì chúng có khả năng ảnh hưởng đến vùng vừa nhổ răng, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.

4. Do khả năng miễn dịch kém

Với người bệnh khỏe mạnh thì khả năng nhổ răng bị nhiễm trùng chỉ chiếm 10%. Tuy nhiên, chúng có thể tăng lên nếu người bệnh mắc bệnh mạn tính như tiểu đường, HIV, bệnh nhiễm trùng,… hoặc do một số loại thuốc điều trị ung thư, thuốc chống thải ghép,… làm hệ miễn dịch suy yếu.

Hệ thống miễn dịch đóng vai trò quan trọng trong việc chống lại các yếu tố gây nhiễm trùng, khi khả năng miễn dịch kém, người bệnh dễ dàng nhiễm trùng sau nhổ răng. Ngoài ra, tuổi già, béo phì và các yếu tố khác có thể làm giảm khả năng chữa lành, dẫn đến dễ nhiễm trùng.

5. Do vị trí răng phức tạp, khó tiếp cận

Trường hợp răng nằm ở vị trí phức tạp, khá sâu dẫn đến khó tiếp cận làm bác sĩ phải rạch nướu nhiều, vết mổ to khiến vi khuẩn dễ dàng xâm nhập, dẫn đến nhiễm trùng sau khi nhổ răng.

6. Do nhiễm khuẩn trong quá trình nhổ răng

Nhổ răng tuy chỉ là một thủ thuật đơn giản nhưng đòi hỏi môi trường thực hiện phải vô khuẩn, dụng cụ nha khoa được vệ sinh sạch sẽ và khử trùng cẩn thận. Nếu không được vô trùng vô khuẩn, người bệnh có thể bị nhiễm khuẩn trong quá trình nhổ răng do trực tiếp đưa vi khuẩn vào vết thương.

7. Nhiễm trùng lây lan từ trước

Nhiều người bệnh có dấu hiệu nhiễm trùng lây lan từ trước, không được điều trị như viêm màng ngoài tim có thể dẫn đến nhiễm trùng sau khi nhổ răng.

Chẩn đoán nhiễm trùng sau nhổ răng

1. Khám lâm sàng

Để kiểm tra chính xác mức độ nhiễm trùng và đưa ra phác đồ điều trị, bác sĩ sẽ khám lâm sàng để kiểm tra vị trí nhổ, tình trạng sưng mặt, sưng hạch, sốt.

2. Chẩn đoán hình ảnh

Chẩn đoán hình ảnh là bước quan trọng để xác định mức độ nhiễm trùng sau nhổ răng của người bệnh. Bác sĩ sẽ cho chụp X-quang để đánh giá tình trạng mất xương, sót chân răng, áp xe hoặc chụp CT nếu nghi ngờ viêm tủy xương.

Chẩn đoán nhiễm trùng sau nhổ răng
Chụp X-quang giúp chẩn đoán nhiễm trùng sau nhổ răng

3. Xét nghiệm máu

Nhiễm trùng ổ răng do nhiều nguyên nhân gây ra, do đó, bác sĩ có thể sẽ chỉ định người bệnh xét nghiệm kiểm tra số lượng bạch cầu hoặc các vấn đề sức khỏe dẫn đến nhiễm trùng ổ răng.

4. Xét nghiệm vi sinh

Nhằm đưa ra phác đồ điều trị phù hợp, bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm vi sinh để xác định loại vi khuẩn gây nhiễm trùng.

Nhiễm trùng sau khi nhổ răng có nguy hiểm không?

Nhiễm trùng sau khi nhổ răng là vấn đề nguy hiểm, cần được điều trị kịp thời nếu xuất hiện dấu hiệu nhiễm trùng. Bởi nếu không khám với bác sĩ chuyên khoa, để tình trạng này kéo dài dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm dưới đây:

1. Nhiễm trùng sang các khu vực xung quanh

Nhiều trường hợp người bệnh nhiễm trùng sang các khu vực xung quanh vị trí vừa mới nhổ do chăm sóc răng miệng không đúng cách.

2. Nhiễm trùng mô mềm miệng

Nhiễm trùng mô mềm miệng hay gọi là nhiễm trùng khoang dưới hàm, đây là tình trạng viêm mô tế bào cấp tính của các mô mềm dưới miệng. Triệu chứng bao gồm đau, khó nuốt và tắc nghẽn đường thở. Nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tử vong.

3. Viêm tủy xương hàm

Viêm tủy xương hàm thường bị nhầm với viêm huyệt ổ răng với các dấu hiệu sốt, đau và sưng tấy. Nếu các triệu chứng kéo dài hơn một tháng, người bệnh nên thăm khám, chụp X-quang để xác định có bị viêm tủy xương hàm không. Biến chứng này đòi hỏi phải điều trị lâu dài bằng kháng sinh và được chăm sóc đến khi khỏi.

Điều trị nhiễm trùng sau nhổ răng

Khi gặp dấu hiệu nhiễm trùng sau nhổ răng, người bệnh không được chủ quan, không tự ý điều trị tại nhà, cần khám với bác sĩ chuyên khoa để biến chứng nhiễm trùng mau chóng thuyên giảm và dứt điểm.

1. Dùng thuốc

Đầu tiên, cần dùng thuốc kháng sinh theo toa để kiểm soát nhiễm trùng, người bệnh cần uống đúng và đủ liều. Ngoài ra, bác sĩ sẽ kê thêm thuốc giảm đau, thuốc chống viêm và dung dịch súc miệng để giúp khử khuẩn, làm sạch ổ viêm.

2. Dẫn lưu áp xe

Người bệnh nếu có bất kỳ ổ áp xe nào hiện có, bác sĩ sẽ dẫn lưu áp xe nhằm hạn chế nhiễm trùng diễn tiến nặng hơn.

3. Làm sạch ổ răng

Nhiều trường hợp nhiễm trùng do thức ăn mắc kẹt vào ổ răng vừa nhổ, bác sĩ sẽ giúp loại bỏ các mảnh vụn (thức ăn, mô chết, cặn bẩn,…) khỏi ổ răng để loại bỏ nhiễm trùng.

4. Nhập viện điều trị tích cực đối với trường hợp nặng

Nhiều trường hợp diễn tiến nặng, tiên lượng ảnh hưởng đến tính mạng, người bệnh cần nhập viện điều trị tích cực để biến chứng nhiễm trùng thuyên giảm nhanh chóng.

5. Tái khám

Người bệnh không được chủ quan nên chủ động tái khám theo lịch của bác sĩ để theo dõi quá trình lành vết thương và các triệu chứng, thay đổi kháng sinh nếu có cũng như cắt bỏ mô hoại tử nhiều lần nếu cần thiết.

Cách phòng ngừa và xử lý nhiễm trùng sau khi nhổ răng tại nhà

1. Lựa chọn cơ sở uy tín

Bạn cần lựa chọn bệnh viện, nha khoa uy tín để ngăn nhiễm trùng sau khi nhổ răng. Chuyên khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM tự hào sở hữu đội ngũ bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, môi trường vô trùng vô khuẩn và có chế độ chăm sóc sau nhổ răng an toàn cho người bệnh.

2. Uống thuốc được kê đơn đúng theo chỉ dẫn

Bác sĩ sẽ kê đơn cho người bệnh một số thuốc kháng sinh và thuốc giảm đau để đẩy lùi tình trạng nhiễm trùng, giảm thiểu cảm giác sưng đau, khó chịu. Thuốc kháng sinh không được tự ý sử dụng, cần tuân thủ theo đơn thuốc nhằm mau chóng kiểm soát nhiễm trùng và đảm bảo an toàn.

3. Chườm lạnh để giảm sưng

Nhiều người thường áp dụng chườm lạnh để xử lý nhiễm trùng sau nhổ răng, giúp giảm tình trạng chảy máu, giảm cảm giác đau nóng do viêm nhiễm và giúp làm co các mao mạch.

4. Uống nhiều nước và ăn thức ăn mềm

Khi có các dấu hiệu nhiễm trùng sau nhổ răng, người bệnh cần có chế độ ăn uống khoa học, uống nhiều nước và ăn thức ăn mềm dễ tiêu hóa. Tránh ăn những món quá cứng hoặc nóng làm tổn thương vị trí nhổ trong khoang miệng.

5. Vệ sinh răng miệng theo hướng dẫn

Vệ sinh răng miệng với bàn chải lông mềm ít nhất 2 lần mỗi ngày, nên dùng thêm chỉ nha khoa hoặc bàn chải kẽ để loại bỏ vụn thức ăn mắc kẹt. Nhiều người quan niệm nhổ răng xong nên hạn chế vệ sinh răng miệng để tránh ảnh hưởng ổ răng vừa nhổ, đây là điều hoàn toàn sai lầm dẫn đến nhiễm trùng.

Cách xử lý nhiễm trùng sau khi nhổ răng tại nhà
Vệ sinh răng miệng đúng cách giúp hạn chế nhiễm trùng sau nhổ răng

6. Tránh hút thuốc hoặc uống rượu

Người bệnh không được hút thuốc hoặc uống rượu bia sau khi nhổ răng vì có thể nhiễm trùng ngày càng nặng.

7. Nghỉ ngơi nhiều

Sau khi nhổ răng và có các dấu hiệu nhiễm trùng, người bệnh cần dành thời gian nghỉ ngơi để sức khỏe mau hồi phục và thuyên giảm các triệu chứng nhiễm trùng.

8. Theo dõi triệu chứng và liên hệ với bác sĩ nếu tình trạng xấu đi

Nếu như các dấu hiệu nhiễm trùng ngày càng nặng, người bệnh cần liên hệ với bác sĩ để được thăm khám và đưa ra phương pháp điều trị thích hợp.

9. Tái khám theo lịch hẹn

Nhiều người thường bỏ qua lịch hẹn tái khám vì cho rằng bản thân đã hồi phục, tuy nhiên, điều này không nên. Tái khám theo lịch hẹn để điều trị dứt điểm và tránh những biến chứng nguy hiểm về sau.

Không ai mong muốn bản thân có các dấu hiệu nhiễm trùng sau khi nhổ răng, nhưng đó là điều không tránh khỏi nếu lựa chọn cơ sở thiếu uy tín và vệ sinh răng miệng không đúng cách. Chuyên khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM luôn đồng hành cùng người bệnh khi thực hiện nhổ răng, hạn chế tối đa nhiễm trùng.

Admin

Hợp tác truyền thông, quảng cáo (0965.23.2222)